Nghị định cũng nêu rõ nội dung quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm: Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; xây dựng và tổ chức thực hiện đề án thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho từng thời kỳ để hỗ trợ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; các giải pháp, chính sách quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn này; theo dõi, cung cấp thông tin về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra tình hình, kết quả quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Về nguyên tắc cơ bản trong quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn vay ODA, vay ưu đãi được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; không sử dụng vốn vay nước ngoài cho các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực trừ trường hợp phục vụ chuyển giao công nghệ, kỹ năng vận hành trang thiết bị, máy móc; tham quan khảo sát; nộp thuế, trả các loại phí, lãi suất tiền vay; mua sắm ô tô trừ ô tô chuyên dụng được cấp có thẩm quyền quyết định; vật tư, thiết bị dự phòng cho quá trình vận hành sau khi dự án hoàn thành trừ một số vật tư, thiết bị dự phòng đặc biệt được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; chi phí hoạt động của Ban quản lý dự án.
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên cơ sở bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ; thực hiện phân cấp gắn với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực của bộ, cơ quan trung ương, địa phương; bảo đảm sự phối hợp quản lý, giám sát và đánh giá của các cơ quan có liên quan theo quy định hiện hành của pháp luật.
Gửi phản hồi
In bài viết