Thu ngân sách nhà nước: Vượt khó về đích sớm

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, 11 tháng năm 2021, thu ngân sách nhà nước đã sớm về đích, vượt mục tiêu đặt ra cho cả năm, với tổng thu đạt 1.389,2 nghìn tỷ đồng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh dần phục hồi, một số khoản thu từ chứng khoán, ngân hàng, bất động sản... tăng mạnh được cho là những yếu tố đã góp phần tăng số thu cho ngân sách.

Thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 11 tháng năm 2021 là 349.889 tỷ đồng, đạt 111,1% dự toán, tăng 23,77% so với cùng kỳ năm 2020. Trong ảnh: Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Thông Thuận Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: Phan Sáu

Thu ngân sách đạt 103,4% dự toán

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế thu ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2021 đạt 1.389,2 nghìn tỷ đồng, bằng 103,4% dự toán, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, số thu vượt kế hoạch chủ yếu ở ngân sách địa phương (tăng trên 9%), trong khi ngân sách trung ương mới đạt 98,5% dự toán cả năm.

Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế Nguyễn Đức Huy thông tin, tổng thu ngân sách 11 tháng năm 2021 do cơ quan thuế quản lý đạt gần 1.180 nghìn tỷ đồng, bằng 105,3% so với dự toán. Trong đó, thu từ dầu thô vượt tới 64,2% so với dự toán, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2020; thu nội địa đạt 103,8% so với dự toán, bằng 107% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, số thu từ thuế, phí nội địa bằng 102,3% so với dự toán. 14/18 khoản thu, sắc thuế bảo đảm tiến độ thực hiện dự toán (đạt trên 91%); 8/18 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng như: Khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 13,1%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,1%; khu vực ngoài quốc doanh tăng 25,8%; thuế thu nhập cá nhân tăng 7,6%...

Trong khi đó, theo Tổng cục Hải quan, thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu là 349.889 tỷ đồng, đạt 111,1% dự toán, bằng 104,44% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 23,77% so với cùng kỳ năm 2020.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, kết quả trên cho thấy nỗ lực của ngành Tài chính nói chung, ngành Thuế, Hải quan và các địa phương nói riêng trong thu ngân sách nhà nước. Mặc dù vậy, công tác thu vẫn cần được chú trọng trong tháng cuối năm để bảo đảm thu đúng, thu đủ.

Như vậy, với việc thu khả quan, ngân sách sẽ có đủ nguồn chi cho chống dịch, cho đầu tư phát triển, góp phần hạn chế vay nợ và khống chế nợ công ở mức dưới chỉ tiêu Quốc hội cho phép.

Các gói hỗ trợ phát huy tác dụng

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn, kết quả thu ngân sách trên có được là nhờ những giải pháp đề ra ngay từ đầu năm 2021 để thích ứng với tình hình mới. Tổng cục Thuế đã thống nhất các giải pháp chỉ đạo mang tính đột phá, phù hợp với từng tháng, từng địa phương, từng khoản thu, sắc thuế. Đặc biệt, toàn ngành đã tập trung triển khai các chính sách của Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, khôi phục và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

"Các gói hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn thuế và tiền thuê đất đã được triển khai đồng bộ, kịp thời, tạo sức bật cho doanh nghiệp. Đến cuối tháng 11-2021, tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 92.825 tỷ đồng", ông Phi Vân Tuấn thông tin.

Song song với việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, cơ quan thuế các cấp đã tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, thu hồi nợ đọng... Nhất là trong những tháng cuối năm 2021, Tổng cục Thuế chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường quản lý thu từ hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, chuyển nhượng bất động sản... Việc hoàn thuế giá trị gia tăng được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, góp phần tháo gỡ khó khăn về tài chính, giúp doanh nghiệp có dòng tiền để hồi phục sản xuất, kinh doanh và có nguồn lực đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Với Cục Thuế Hà Nội, Cục trưởng Mai Sơn chia sẻ, tính đến ngày 30-11, Cục Thuế Hà Nội thu ngân sách đạt 102,6% dự toán. Để những chính sách hỗ trợ đến với doanh nghiệp và phát huy hiệu quả trong thực tiễn, Cục Thuế đã yêu cầu từng cán bộ, công chức, từng bộ phận chủ động gửi thư điện tử, điện thoại trực tiếp giúp đỡ doanh nghiệp kê khai, thực hiện giãn, giảm thuế. Cùng với đó, Cục Thuế Hà Nội đã đối thoại, tháo gỡ khó khăn bằng hình thức trực tuyến cho 100% doanh nghiệp trên địa bàn, qua đó đã tiếp nhận, giải đáp hàng trăm câu hỏi của doanh nghiệp, người nộp thuế. Cơ quan thuế đã tập trung phân loại, đánh giá những vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của quận, huyện, thị xã, sở, ngành để kiến nghị tháo gỡ kịp thời, qua đó giúp các tổ chức, cá nhân yên tâm sản xuất, kinh doanh.

"Thu ngân sách của thành phố đạt khả quan còn bởi một số ngành, lĩnh vực như: Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, hoạt động chuyển nhượng vốn và đầu tư vốn… có tốc độ tăng trưởng tốt, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước", ông Mai Sơn nói.

Còn Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, thu thuế xuất, nhập khẩu tăng do giá và lượng một số hàng hóa tăng (như thu từ dự án điện gió, giá dầu, linh kiện ô tô, sắt thép) và nhờ kết quả của các hoạt động chống thất thu.

Tại hội nghị giao ban công tác tài chính - ngân sách tháng 11-2021, định hướng tháng 12-2021 do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của ngành Tài chính trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước. Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tiếp tục tập trung nguồn lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2021. Đặc biệt, ngành Thuế, Hải quan cần hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra của năm 2021, chống thất thu, gian lận thương mại trong tháng cuối năm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục