Đến ngày 28-8, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (vốn tỉnh quản lý) đạt trên 1.284/2.644,4 tỷ đồng, đạt 48,6% kế hoạch, cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 45,49%. Mặc dù vậy, nhưng theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 còn chậm, chưa đảm bảo yêu cầu. Đặc biệt số vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 còn tồn rất lớn, khoảng 300 tỷ đồng trong tổng số hơn 507 tỷ đồng, tiến độ thực hiện công trình khởi công mới cũng rất chậm, đến hết tháng 8 chỉ có 18/64 công trình khởi công mới. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm là do các chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh về đẩy nhanh tiến độ kế hoạch đầu tư công, nhất là tiến độ hoàn thiện hồ sơ giải ngân vốn của các công trình, dự án đã quyết toán, đã hoàn thành đưa vào sử dụng…
Công trình cải tạo, nâng cấp hồ Tân Hà, trước khu vực Bệnh viện Y học cổ truyền Tuyên Quang đang bước vào giai đoạn hoàn thiện.
Theo cam kết của UBND thành phố Tuyên Quang, tuyến đường dọc hai bên bờ sông Lô đấu nối với các tuyến Quốc lộ 37, 2C, đường Hồ Chí Minh liên kết với đường cao tốc nối thành phố Tuyên Quang với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ hoàn thành trong tháng 10. Ông Lý Đỗ Thành Quang, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thành phố Tuyên Quang cho biết, thời điểm này, tất cả mọi thứ liên quan đến tiến độ thi công, đơn vị trực tiếp bám sát, quản lý, từ việc bố trí số lượng lao động làm việc, máy móc. Như tại gói thầu số 1 chiều dài tuyến 635 mét do Công ty TNHH Phúc Thành An thi công, những ngày này tại công trường luôn bố trí từ 10 - 12 lao động, 1 máy xúc, 1 máy đào khoan đá, 1 máy ủi, 2 máy lu, 5 - 8 xe ô tô làm việc liên tục. Theo ông Quang, không chỉ tại gói thầu số 1, việc giám sát tiến độ, báo cáo nhân lực, vật lực đang được áp dụng tại tất cả các gói thầu của công trình. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, như ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng… đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công, giải ngân vốn của công trình này. Hết tháng 8, dự án 2 tuyến đường dọc bờ sông Lô chưa giải ngân 49,2/85 tỷ đồng.
Ngày 17-8, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 2957 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Trong đó, ngoài các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh yêu cầu phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công. Kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cấp chính quyền.
Công trình Kè bảo vệ bờ sông Gâm hạ lưu Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, khu vực thị trấn Na Hang chậm tiến độ do vướng mắc giải phóng mặt bằng, một số nhà thầu thi công chưa đảm bảo tiến độ.
Đặc biệt, tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong đó Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND huyện, thành phố đứng đầu để thường xuyên lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án có vốn lớn; phân công lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp phụ trách từng dự án; tổ chức giao ban định kỳ với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân.
Năm 2021, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng 8 công trình dự án, trong đó có 2 dự án chuyển tiếp hoàn thành năm 2021; 3 dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2021; 2 dự án khởi công mới và 1 dự án dừng ở bước chuẩn bị đầu tư do chuyển đổi chủ trương đầu tư. Tổng kế hoạch vốn năm 2021 sau phê duyệt điều chỉnh là trên 211,7 tỷ đồng, bao gồm trên 171 tỷ đồng vốn do tỉnh quản lý; 40 tỷ đồng vốn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
2 công trình, dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2021 là công trình Xử lý khẩn cấp đảm bảo an toàn đoạn đê thôn Hưng Thịnh, xã Trường Sinh (Sơn Dương) và công trình Kè bảo vệ bờ sông Gâm hạ lưu Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, khu vực thị trấn Na Hang. Đến thời điểm này, công trình Xử lý khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở đoạn đê thôn Hưng Thịnh đã giải ngân trên 6,9 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch vốn.
Công trình Kè bảo vệ bờ sông Gâm hạ lưu Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, khu vực thị trấn Na Hang đến giữa tháng 7/2021 mới đồng loạt triển khai tại các gói thầu do điều chỉnh thiết kế. Công trình này hiện mới giải ngân được 25,2 tỷ đồng trong tổng vốn năm 2021 là 60 tỷ đồng, đạt 42% kế hoạch. Ông Lê Hải Hùng, Giám đốc Ban Quản lý cho biết, một trong những nguyên nhân khiến việc thi công, giải ngân chậm tiến độ là tại nhiều gói thầu, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa đảm bảo tiến độ. Riêng gói thầu số 03, 04 (chiều dài 880,4 m), tiến độ thi công còn chậm so với tiến độ đã cam kết. Thực hiện Văn bản số 2957 của UBND tỉnh, Ban Quản lý dự án đã có văn bản phê bình nhà thầu và kịp thời kiện toàn Tổ công tác, trong đó giao đồng chí Phó Giám đốc Ban trực tiếp phụ trách, cùng các cán bộ kỹ thuật của Ban thường trực luân phiên tại công trường để chỉ đạo đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công và phối hợp với UBND huyện Na Hang thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giải quyết vướng mắc về mặt bằng thi công.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến khó lường, thì việc đẩy mạnh các dự án sử dụng vốn đầu tư công được xem là một trong những giải pháp hiệu quả bù đắp vào những thiếu hụt từ khu vực kinh tế tư nhân, thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy hoạt động sản xuất và giải quyết tốt bài toán về việc làm, thu nhập cho người lao động. Xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ, kiên quyết điều chuyển vốn cho các dự án công trình có khả năng thi công, giải ngân nhanh... tỉnh đang tập trung quyết liệt các giải pháp, để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết