Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn đầu tư công toàn tỉnh đến giữa tháng 9 là trên 6.954 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn đầu tư công chuyển tiếp từ năm 2022 sang năm 2023 trên 1.300 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư công năm 2023, tỉnh được phân bổ trên 5.600 tỷ đồng. Tính đến 22-9, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 2.100 tỷ đồng, đạt 30,67% kế hoạch, tăng 0,22% so với kỳ báo cáo ngày 21-9.
Dự án nâng cấp tuyến đường từ km 26+600, Quốc lộ 2 đi trung tâm xã Thái Hòa (Hàm Yên) được đầu tư 7 tỷ đồng bằng vốn ngân sách Nhà nước đang được gấp rút thực hiện. Tất cả chính quyền địa phương, nhà thầu, người dân cùng vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân nguồn vốn theo đúng kế hoạch. Đồng chí Tống Huy Thật, Chủ tịch UBND xã Thái Hòa cho biết, ngay khi dự án được phê duyệt, xã đã thông báo, họp bàn với các hộ nằm trên trục đường thuộc 3 thôn Lũ Khê, Cây Vải, Làng Mãn 2 nắm biết, chủ động hợp tác. Ông Phạm Văn Vượng, Trưởng thôn Làng Mãn 2 phấn khởi cho biết, 37 hộ trong thôn có liên quan đến dự án, được xã thông báo, bà con đồng tình ủng hộ. Đầu tháng 8, các hộ đã chủ động dịch chuyển hàng rào, tháo dỡ vật kiến trúc để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công thực hiện. Ông Tô Hải Du, Chỉ huy Trưởng công trình hồ hởi cho biết, có mặt bằng sạch, đơn vị đã huy động 3 máy xúc, 2 máy san gạt, 4 ô tô cùng 20 công nhân làm việc liên tục. Hiện đơn vị đang tập trung thi công hạng mục rãnh dọc, lắp đặt cống thoát nước, tiếp đến xử lý nền và rải đá base. Ông Du khẳng định, với tiến độ thi công hiện nay, khoảng cuối tháng 12, công trình sẽ cơ bản hoàn thành, vượt kế hoạch mục tiêu đề ra.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc cả ngày nghỉ với các ngành để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng chí Đỗ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên khẳng định, huyện đã lập tổ công tác, thực hiện kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhà thầu. Mục tiêu đặt ra là đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án song phải đảm bảo kỹ thuật xây dựng, độ bền và thẩm mỹ. Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng, với tiến độ của dự án nâng cấp đường giao thông từ km26+600 đi trung tâm xã Thái Hòa như hiện nay, mục tiêu giải ngân xong trong năm 2023 hoàn toàn có thể thực hiện được. Trên thực tế, khoảng 40% kế hoạch vốn đã được giải ngân cho nhà thầu.
Dù đã bước vào giai đoạn hoàn thiện nhưng những kỹ sư của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng giao thông tỉnh vẫn bám sát từng gói thầu trên công trường "Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai" để giám sát, đốc thúc nhà thầu thi công. Đồng chí Hà Văn Sáng, Phó trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết, do yêu cầu công việc cán bộ Ban không có ngày nghỉ, lãnh đạo Ban sẵn sàng chỉ đạo "nóng" ngay tại chỗ từ việc tăng thêm máy móc, thiết bị, nhân lực, thí nghiệm các vật liệu, tập kết vật liệu đến các giải pháp gỡ "nút thắt" mặt bằng, thiếu nguyên liệu. Theo Phó trưởng Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hà Văn Sáng, sự giám sát chặt chẽ, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành tiến độ thi công dự án đã được đẩy nhanh ở mức cao nhất. Hiện tại các gói thầu thi công xây lắp như: nền đường và hệ thống thoát nước, rải cấp phối đá dăm lớp 1 40,2/40,2 km, rải lớp 2 đạt 37,1/40,2 km; rải móng cấp phối đá dăm, gia cố xi măng 4% được 6/40,2 km. Tính đến 20-9, tiến độ giải ngân đạt 1.259,9 tỷ đồng, đạt 68,87% giá trị hợp đồng.
Bên cạnh những dự án có tiến độ giải ngân cao, vẫn còn nhiều đơn vị, chủ đầu tư có dự án tiến độ giải ngân thấp hơn trung bình của tỉnh (tức dưới 30%). Điển hình là: Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh tiến độ giải ngân mới đạt 23%, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp 18,6%, Sở Xây dựng 4,6%, Trường Cao đẳng Nghề 1%.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngay trong ngày nghỉ 9-9, Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị theo dõi tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đã mời các sở, ngành, huyện, thành phố họp, tìm giải pháp, tháo gỡ khó khăn. Lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố đã ký cam kết đến ngày 30-9, tiến độ giải ngân năm 2023 phải bằng hoặc trên mức bình quân chung của cả nước là 39,6%.
Trước đó, ngày 11-5, UBND tỉnh đã có Quyết định 456/QĐ-UBND ngày 11-5 thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trực tiếp đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh là tổ trưởng. Nhiệm vụ của tổ công tác nắm bắt, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh. Các thành viên trong tổ công tác chủ động hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà thầu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng tính chủ động, tự chủ và nâng cao tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp. Tổ tăng cường kiểm tra, giám sát và tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư; kịp thời đề xuất các giải pháp xử lý những khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư, đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch.
Đặc biệt, liên tiếp trong phiên họp thường kỳ những tháng gần đây, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu, người đứng đầu các sở, ngành, các huyện, thành phố thực hiện nghiêm công điện, quyết định của UBND tỉnh về đẩy nhanh tiến độ giải ngân; các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch chi tiết từng tháng, từng quý để theo dõi sâu sát, vướng đâu phải giải quyết ngay đến đó. Riêng với nguồn vốn kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023, những chủ đầu tư phải kế hoạch cụ thể, đảm bảo 31-12 cơ bản giải ngân xong nguồn vốn. Đối với các chủ đầu tư hoàn vốn phải xem xét trách nhiệm, kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân cản trở công tác giải ngân vốn đầu tư công...
Với chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc của các chủ đầu tư, hy vọng tiến độ giải ngân đầu tư công của tỉnh sẽ đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Gửi phản hồi
In bài viết