HIV không chỉ là một bệnh truyền nhiễm mà còn là vấn đề y tế công cộng của mỗi quốc gia và toàn cầu. Năm 2023 là dấu mốc tròn 40 năm thế giới tìm ra virus HIV. Việt Nam đã trải qua 33 năm ứng phó với đại dịch HIV với gần 250.000 người nhiễm. Khủng hoảng do HIV gây ra đã tác động không nhỏ đến kinh tế, xã hội và sự phát triển của đất nước thời gian qua. Đến nay, Việt Nam đã và đang từng bước khống chế, kiểm soát được đại dịch HIV/AIDS. Tuy nhiên, đáng lo ngại là những năm gần đây, xu hướng dịch lại có dấu hiệu thay đổi, dịch tăng nhanh trong nhóm trẻ tuổi (từ 15 - 29 tuổi), các trường hợp mới phát hiện chủ yếu thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 80%.
Cán bộ Khoa HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy máu xét nghiệm sàng lọc HIV.
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại tỉnh là vào cuối năm 1997. Tính đến tháng 11-2023, lũy tích phát hiện nhiễm HIV tại tỉnh là 2.146 trường hợp, trong đó số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống 1.146 người. Trong 11 tháng năm 2023, toàn tỉnh phát hiện 30 trường hợp nhiễm HIV (tăng 10 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022). Hiện nay có 126/138 xã, phường, thị trấn của 7/7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có người nhiễm HIV. Có 946 người hiện đang được điều trị bằng thuốc ARV tại 8 đơn vị điều trị ngoại trú trên địa bàn tỉnh. Toàn bộ số người đang được điều trị được làm xét nghiệm tải lượng vi rút HIV, kết quả cho thấy khoảng 97% người trong số này có tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng phát hiện, không có khả năng lây truyền qua đường tình dục. 97% người nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV có tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng phát hiện, không có khả năng lây truyền qua đường tình dục là một trong những thành quả rất có ý nghĩa trong công tác điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS của tỉnh, góp phần cùng với cả nước hướng tới mục tiêu Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Có được thành quả trên, trước hết là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh; sự cố gắng, nỗ lực của những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS, mà nòng cốt là các cán bộ y tế. Cùng với đó, những năm qua Tuyên Quang luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế.
Bác sỹ Hoàng Thị Tuyết, Phó trưởng Khoa HIV/AIDS, CDC cho biết, những năm gần đây, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng nhanh, chủ yếu trong độ tuổi từ 15 - 24. Trong đó, tỷ lệ lây qua đường tình dục là 89,8%, qua quan hệ tình dục đồng giới nam chiếm 74,6%. Bởi vậy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên, người lao động trẻ tại các cụm, khu công nghiệp để chủ động phòng chống HIV/AIDS rất cần thiết.
Cán bộ y tế Cơ sở cai nghiện ma túy tư vấn cho học viên về cách phòng chống HIV/AIDS.
Các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS được ngành Y tế tiếp tục tăng cường phối hợp tuyên truyền giáo dục, thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS trong Nhân dân, đặc biệt trong nhóm nguy cơ cao; phát động phong trào phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội gắn với xây dựng gia đình văn hóa ở khu dân cư... Đặc biệt, đẩy mạnh chương trình can thiệp giảm tác hại phòng lây nhiễm HIV/AIDS đến tuyến huyện, xã, thôn; duy trì hoạt động của các cơ sở điều trị Methadone; phát huy hiệu quả hoạt động của các nhóm đồng đẳng...
Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, tốc độ lây lan của dịch HIV/AIDS thời gian qua được kiềm chế đáng kể, số người nhiễm HIV và tử vong do AIDS giảm hàng năm. Qua đó tạo cơ sở và điều kiện để hiện thực hóa mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết