Ứng dụng di động S-Health đã được Bộ Y tế nâng cấp cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và hỗ trợ tài chính của Chính phủ Nhật Bản. Ứng dụng được thiết kế thân thiện với người sử dụng để tìm kiếm thông tin về sức khỏe nói chung và đặc biệt là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Cụ thể, S-Health cung cấp những thông tin cập nhật thường xuyên về các bệnh thường gặp ở người cao tuổi, kiến thức liên quan tới việc duy trì một chế độ dinh dưỡng phù hợp với người cao tuổi và kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi.
Ứng dụng di động cũng có phần tính năng giúp người cao tuổi có thể theo dõi các chỉ số sức khỏe hằng ngày và nâng cấp tính năng hẹn lịch như đặt lịch nhắc nhở uống thuốc, lịch khám sức khỏe.
Ngoài ra, nút SOS trong ứng dụng sẽ tự động gửi định vị GPS của người cao tuổi tới những người thân trong gia đình khi có các trường hợp khẩn cấp.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc UNFPA tại Việt Nam cho biết, đại dịch Covid-19 khiến xu hướng tiếp cận với công nghệ kỹ thuật số đã trở thành một yếu tố xã hội mới quyết định đến sức khỏe. Cho đến nay, việc có một ứng dụng di động chăm sóc sức khỏe là một giải pháp không thể thiếu đối với người cao tuổi. Một kết quả điều tra năm 2020 cho thấy, đã có hơn 80% trong số những người cao tuổi từ 60 đến 69 tuổi sử dụng internet so với 62% vào năm 2015.
Còn theo điều tra quốc gia về người cao tuổi ở Việt Nam năm 2019, 93% người cao tuổi ở nông thôn và 97% ở thành thị có điện thoại di động và khoảng 4/10 người cao tuổi sử dụng điện thoại thông minh.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho rằng, ứng dụng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi S-Health ra đời cùng với những ứng dụng như nCOVI; sổ sức khỏe điện tử... đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nói chung và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói riêng trong thời đại công nghệ số 4.0.
Thời gian tới, ứng dụng này sẽ được triển khai, phổ biến tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Gửi phản hồi
In bài viết