AFP mô tả, nằm cách thủ đô Hà Nội 300 km (khoảng 190 dặm) về phía tây bắc, trước đại dịch Covid-19, huyện Mù Cang Chải ở phía bắc tỉnh Yên Bái đã trở thành điểm đến thu hút khách du lịch nước ngoài và địa phương. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã trở thành di tích quốc gia của Việt Nam.
Những ruộng bậc thang ngoạn mục nằm ở độ cao tới 1.000 m so với mực nước biển, chủ yếu do người dân tộc Mông canh tác. Khi những cánh đồng chuyển sang màu vàng óng vào khoảng thời gian tháng 9 – tháng 10 cũng là lúc ruộng bậc thang Mù Cang Chải vào độ đẹp nhất. Khoảng thời gian này, Mù Cang Chải thường đón rất đông du khách, mang lại nguồn lợi lớn cho cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, mùa lúa chín năm nay vẫn vắng bóng du khách.
Bài báo thông tin thêm, Việt Nam gần đây đã bắt đầu mở cửa biên giới, một số du khách quốc tế đã đến Phú Quốc vào tháng trước và nhiều điểm du lịch khác ở phía nam đất nước.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải trong nắng bình minh trong đoạn phim của hãng AFP. (Ảnh chụp từ clip)
Vẻ đẹp ngoạn mục của ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã chiếm được tình cảm của du khách trong và ngoài nước. Năm 2018, tờ báo nổi tiếng của Anh Telegraph đã công bố 12 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới. Trong đó, ruộng bậc thang Mù Cang Chải là một trong hai đại diện của Việt Nam được lọt vào danh sách này.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải gắn liền với đời sống, tập tục của người Mông. Do thiếu những mảnh ruộng bằng phẳng để canh tác, đồng bào Mông đã tận dụng từng mảnh ruộng nhỏ được vỡ ra ở từng ngọn núi có độ cao từ 800-1.700m, cùng với việc thu phục thiên nhiên để sinh tồn nhưng vô tình đồng bào ở đây lại trở thành những “người nghệ sĩ” tạo nên một “tác phẩm nghệ thuật” hùng vĩ giữa núi non đại ngàn.
Nhằm tôn vinh danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mông, đồng thời nâng cao ý thức bảo tồn di sản, thu hút khách du lịch, từ năm 2015 tỉnh Yên Bái đã cho tổ chức nhiều hoạt động gồm chọi dê, hội giã cốm, hội chợ ẩm thực, dù lượn “Bay trên mùa vàng” và “Bay trên mùa nước đổ” tại đỉnh Khau Phạ, đồi Mâm Xôi cùng nhiều hoạt động văn hóa khác.
Gửi phản hồi
In bài viết