Vừa qua, tại hội nghị tuyên truyền, tư vấn, đối thoại về chính sách BHXH, BHYT do BHXH tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức tại các xã Minh Thanh, Bình Yên, Tam Đa, Hào Phú (Sơn Dương), đại diện trên 700 hộ gia đình đã được nghe, giải đáp về quyền lợi khi tham gia BHYT, độ tuổi vàng tham gia BHXH tự nguyện, những hạn chế, rủi ro khi rút BHXH một lần… Anh Đỗ Anh Tuấn, xã Hào Phú (Sơn Dương) cho biết, sau hơn 7 năm đi làm công ty tại Bắc Giang, nay trở về địa phương mở cửa hàng kinh doanh tại nhà, anh vẫn tiếp tục duy trì tham gia đóng BHXH. Như vậy sau này về già, đó sẽ là “của để dành” cho tương lai. Không chỉ được hưởng chế độ lương hưu như nhiều người khác, anh sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí, được chăm sóc sức khỏe khi tuổi cao. Từ đó giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình, hạn chế phụ thuộc vào con cháu.
Theo thống kê của BHXH tỉnh, tình trạng người lao động nhận BHXH một lần có xu hướng gia tăng. Đặc biệt trong hơn 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều lao động bị mất việc làm hoặc nghỉ việc gián đoạn dẫn đến nhiều khó khăn trong sinh hoạt, lao động, sản xuất. Tính từ đầu năm đến nay, BHXH tỉnh đã thực hiện giải quyết chế độ BHXH một lần cho trên 5.400 người. Trong khi đó, số người rút BHXH năm 2019 là trên 4.300 người, 2020 là trên 4.800 người…
BHXH tỉnh tuyên truyền lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện, hạn chế khi rút BHXH một lần
cho người lao động tại xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang).
Việc người lao động hưởng BHXH một lần sẽ rất thiệt thòi. Theo đó, khi rút BHXH một lần, số tiền thực tế sẽ thấp hơn nhiều so với số tiền đã tham gia đóng vào quỹ BHXH. Cụ thể, theo quy định hiện nay, tổng mức đóng vào quỹ BHXH sẽ là 22% tiền lương tháng, tương đương trên 2,6 tháng lương/năm. Nếu rút BHXH thì người lao động sẽ chỉ được trả lại bằng 2 tháng lương cho mỗi năm đóng BHXH. Khi về già, người lao động sẽ không có tiền hưu trí, phải sống phụ thuộc vào con cháu. Khi ốm đau, bệnh tật, không được hưởng BHYT miễn phí, khi tử vong, gia đình không được trợ cấp mai táng… Nếu người lao động sau này đi làm trở lại và có tham gia BHXH thì thời gian đóng trước đó cũng không được tính do đã hưởng BHXH một lần.
Nhằm hạn chế tình trạng người lao động hưởng BHXH một lần, BHXH tỉnh đã tăng cường tuyên truyền về lợi ích, tính nhân văn của chính sách BHXH thông qua các buổi truyền thông nhóm, truyền thông cá nhân. Cùng với nhiều chính sách hỗ trợ người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đang tập trung nghiên cứu các chính sách theo hướng giảm dần năm đóng BHXH tối thiểu còn 15 năm, tiến tới còn 10 năm; các chính sách nhằm tăng độ bao phủ chính sách an sinh, phù hợp chung với xu hướng của thế giới như quy định thời gian bảo lưu đóng, tăng quyền lợi lâu dài; quản lý chặt chẽ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH gây thiệt thòi cho người lao động…
Việc nhận BHXH một lần có thể được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài” bởi quyền lợi người lao động bị hạn chế nhiều so với việc hưởng lương hưu. Tình trạng hưởng BHXH một lần gia tăng trong bối cảnh bao phủ BHXH chậm còn dẫn đến nguy cơ mất an ninh thu nhập tuổi già, làm tăng gánh nặng ngân sách chi trợ cấp hỗ trợ cho người già sau này. Bởi vậy, song song với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động thì việc sửa đổi, điều chỉnh Luật BHXH phù hợp với yêu cầu thực tiễn là phương án thực tế để tạo niềm tin và giúp người lao động an tâm đóng BHXH.
Gửi phản hồi
In bài viết