Nghệ thuật đấu chiêng của dân tộc Co ở Trà Bồng (Quảng Ngãi) có giá trị đặc sắc nổi bật, riêng có.
Theo các nhà nghiên cứu, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi còn lưu giữ vốn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc truyền thống, dệt nên bức tranh văn hóa Quảng Ngãi đa sắc màu. Nếu như cả tỉnh có 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì khu vực miền núi đã có 5 di sản gồm: lễ hội điện Trường Bà, nghệ thuật cồng chiêng dân tộc Co, nghệ thuật trang trí cây nêu của người Co, huyện Trà Bồng; nghề dệt thổ cẩm Làng Teng, xã Ba Thành, nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê, huyện Ba Tơ. Ngoài ra, còn có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 3 di tích cấp quốc gia và 25 di tích cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, khu vực cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống còn tập trung nhiều thắng cảnh hùng vĩ được thiên nhiên ban tặng. Đây là tài sản vô giá, là tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù gắn với du lịch sinh thái cộng đồng, văn hóa, lịch sử và du lịch cộng đồng.
Tiến sĩ Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) nhìn nhận, đối với nghề thủ công truyền thống, dân tộc Hrê, Ca Dong tạo nên các sản phẩm độc đáo và hấp dẫn.
Đơn cử, nghề dệt thổ cẩm của người Hrê ở làng Teng được hình thành từ rất lâu đời, đang được bảo tồn, phục hồi. Sản phẩm thổ cẩm của dân tộc Hrê, nhất là kỹ thuật dệt cài hoa văn độc đáo không chỉ tạo nên sự khác biệt mà còn khẳng định tài năng, sự thông minh và sáng tạo của người thợ dệt.
Những năm gần đây, thông qua việc hỗ trợ dạy và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nhiều thiếu nữ người Hrê ở làng Teng đã sáng tạo những bộ trang phục thổ cẩm được thiết kế cách tân nhưng vẫn toát lên nét tinh hoa đặc sắc văn hóa truyền thống, được người tiêu dùng ưa thích và mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ gia đình.
Sắc màu văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi vô cùng đa dạng, phong phú và đặc sắc, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam.
Ngoài nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê mang nhiều giá trị văn hóa, tâm linh và xã hội, phải kể đến nghệ thuật cồng chiêng, di sản văn hóa nổi bật của cộng đồng người Co ở miền tây Quảng Ngãi.
Nét đặc sắc nghệ thuật cồng chiêng của người Co so với những tộc người khác chính là nghệ thuật diễn tấu đấu chiêng vô cùng độc đáo. Đấu chiêng không chỉ là một hình thức diễn xướng dân gian mà còn là một cuộc thi đầy sáng tạo và ngẫu hứng, nơi các nghệ nhân trình diễn kỹ năng và tài năng âm nhạc, thể hiện sự khéo léo, sự gắn kết cộng đồng, và mong muốn đoàn kết của người Co.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quang Trọng, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, trong các dân tộc thiểu số ở nước ta, người Co có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú và đặc sắc, không chỉ tô đậm thêm bản sắc văn hóa tộc người mà còn làm cho bức tranh văn hóa của 54 dân tộc ở nước ta thêm nhiều hương sắc, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam. Một trong số đó phải kể đến tri thức trong sáng tạo nghệ thuật của tộc người này mà kết tinh tập trung và điển hình nhất là cây cột lễ (cây nêu), được coi là tuyệt tác nghệ thuật chạm khắc và trang trí, là niềm tự hào của cộng đồng người Co.
“Giá trị nghệ thuật chạm khắc và trang trí thể hiện tập trung và rõ nét nhất ở cây cột lễ và nhiều tác phẩm nghệ thuật khác phản ánh sự khéo léo, bàn tay tài hoa, đầu óc thẩm mỹ tinh tế, đầy sáng tạo của nghệ nhân người Co, cần thiết có những giải pháp để bảo tồn, làm giàu và phát huy trong bối cảnh hội nhập toàn diện hiện nay”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quang Trọng kiến nghị.
Tại hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Báo Văn hóa tổ chức mới đây, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đều cho rằng, kho tàng di sản văn hóa của các tộc người ở miền núi Quảng Ngãi mang tính dân tộc học rất rõ nét, là nguồn lực hấp dẫn cho hoạt động du lịch.
Do vậy, việc nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống không chỉ giúp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn tạo ra những điểm đến hay những sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách. Từ phát triển du lịch, các giá trị văn hóa sẽ được quảng bá, lan tỏa rộng rãi, góp phần mang lại những lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương.
Hiến kế giải pháp bảo tồn gắn với phát triển du lịch ở các huyện miền núi Quảng Ngãi, các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, các nghệ nhân, các doanh nghiệp du lịch nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng phát triển sản phẩm du lịch phải mang tính đặc thù và khác biệt để các yếu tố hấp dẫn của cộng đồng các dân tộc thiểu số như nghề dệt thổ cẩm của người Hrê, huyền thoại của người Co, đặc trưng của người Ca Dong không bị mai một.
Đồng thời, cần xác định văn hóa là yếu tố “cốt lõi”, “sống còn” để phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, phải gìn giữ, bảo tồn cho được giá trị tài nguyên này.
“Sáng tạo-tạo một mô hình mới trên cơ sở giá trị tài nguyên; mô phỏng-xây dựng mô hình tái hiện những nét văn hóa đặc trưng; duy trì nét văn hóa hiện có, gia cố điều kiện để lưu giữ và phục vụ khách đều có chung bản chất là cùng hướng tới mục tiêu nhằm tạo ra nhiều điểm nhấn về sản phẩm du lịch đặc thù”, Tiến sĩ Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch chia sẻ, đồng thời đề xuất tỉnh Quảng Ngãi cần tăng cường liên kết, phát triển sản phẩm du lịch, kết nối tuyến điểm du lịch trong nội tỉnh, đặc biệt là các tuyến, điểm du lịch vùng ven biển, vùng đồng bằng với các điểm du lịch tại các buôn làng dân tộc thiểu số miền núi phía tây; kết nối với các tỉnh trong vùng để gia tăng giá trị du lịch, bảo tồn tôn vinh giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá tinh thần tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay, nhất là trong bối cảnh nhu cầu khám phá của du khách tìm hiểu về văn hóa vùng miền ngày càng nhiều.
Do vậy, song song với bảo tồn phải tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách và phát huy cao nhất vai trò của cộng đồng, sự chủ động hơn nữa của chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các địa phương là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Gửi phản hồi
In bài viết