Một màn đại cảnh tại lễ khai mạc. (Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp)
Lễ khai mạc mang chủ đề “Vàng son một thuở cố đô” như “bộ phim dã sử cổ trang” tái hiện những mốc son lịch sử huy hoàng, “giải mã” những câu chuyện ẩn sâu dưới lớp trầm tích lịch sử rực rỡ của Cố đô Hoa Lư xưa đã tạo nên những cảm xúc bất ngờ, choáng ngợp, xúc động cho công chúng, khơi dậy tình yêu lịch sử, biết ơn các bậc tiền nhân.
Chương trình nghệ thuật khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 chủ đề “Vàng son một thuở cố đô” do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức, Newday Media thực hiện, Tổng đạo diễn và kịch bản Lê Hải Yến, Giám đốc âm nhạc Mạnh Tiến, Tổng biên đạo Tấn Lộc, lời bình Vi Thùy Linh,… cùng ê-kíp hùng hậu là các chuyên gia tư vấn, thiết kế, thi công, các nghệ sĩ, diễn viên, đoàn nghệ thuật, sinh viên, chiến sĩ,…
Chương trình được chia thành 5 chương: Nhất thống, Khải hoàn, Hưng thịnh, Mở cõi và Hội tụ, đưa khán giả ngược về quá khứ hòa mình vào dòng chảy lịch sử Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIX, với các cuộc dời đô từ Hoa Lư đến Thăng Long, mở cõi từ Thăng Long đến Huế, 3 kinh đô lớn nhất, lâu đời nhất, vàng son nhất trong lịch sử Việt Nam.
Mở đầu là cảnh người dân từng bước chuyền tay nhau những khối gạch xây những đoạn tường thành giữa những ngọn núi non trùng điệp, và kinh thành Hoa Lư kỳ vĩ, sừng sững hoàn thành từng bước hiển hiện nguy nga sống động với công nghệ 3D mapping.
Sau những đại cảnh hoành tráng, khán giả không khỏi bất ngờ và xúc động trước câu chuyện về Thái hậu Dương Vân Nga được đưa lên sân khấu. Nữ nghệ sĩ trong vai Thái hậu Dương Vân Nga xuất hiện bước từ dưới sân khấu lên trên cung điện. 8 câu thơ gói gọn về nỗi lòng của Thái hậu Dương Vân Nga theo bước bà lên những bậc thang của cung điện. Mỗi bước đi đều là những giằng xé nội tâm, cho thấy nỗi lòng ngổn ngang của bà trước thân phận mình và vận mệnh đất nước để có một quyết định mang tính đại nghiệp lúc bấy giờ. Và bà đã quyết định trao trọng trách cứu nước, cứu dân cho tướng Lê Hoàn, “không tiếc tấm thân vàng” đón nhận về mình những chỉ trích, hoài nghi.
Với sự nghiên cứu kỹ lưỡng về lịch sử, Tổng đạo diễn, tác giả kịch bản Lê Hải Yến cho biết chị đã mạnh dạn “minh oan” cho Thái hậu Dương Vân Nga trên sân khấu “Vàng son một thuở cố đô”. Câu chuyện mà Lê Hải Yến kể như muốn soi tỏ hơn một đoạn “mây mù” của lịch sử, trả lại cái nhìn đúng đắn về Thái hậu. Chương trình cũng làm rõ hình ảnh Thái hậu Dương Vân Nga trao long cổn cho tướng Lê Hoàn là trao một sứ mệnh, một trọng trách của non sông đất nước.
Sau này thắng giặc ngoại xâm, Vua Lê Hoàn trở về mới lên ngôi, thực sự chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Lê. Đây là màn diễn để lại ấn tượng sâu đậm với tà áo trải dài hàng trăm bậc sân khấu được mapping hình ảnh phượng và vân mây không chỉ cực kỳ đẹp mắt.
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến tiết lộ, để viết nên tiết mục này, ngoài đọc sách sử, tham khảo ý kiến chuyên gia, chị đã có nhiều chuyến công tác đến với những nơi thờ tự Thái hậu để tìm hiểu. “Quyết định của Thái hậu Dương Vân Nga là sự hy sinh cùng nỗi đau đớn trong lòng mà bà phải chịu đựng. Người phụ nữ đó có nghị lực và bản lĩnh phi thường để có thể đưa ra những quyết định liên quan tới vận mệnh của giang sơn. Nếu không có mạch nối như vậy thì chúng ta không giữ được bờ cõi, lại tiếp tục bị xâm lược. Tôi mong qua đó khán giả hiểu được hoàn cảnh đó và tri ân bà” - Tổng đạo diễn Lê Hải Yến bày tỏ.
Trong một thời lượng ngắn chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, chương trình nghệ thuật “Vàng son một thuở cố đô” khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 được khen ngợi giúp người dân hình dung một cách rõ ràng, mạch lạc và vô cùng sống động về các triều đại đã qua của đất nước, vai trò, sứ mệnh của từng kinh thành Hoa Lư, Huế và Thăng Long.
Gây ấn tượng mạnh là cảnh thủy chiến, khải hoàn, cảnh dời đô của vua Lý Thái Tổ với thủy trình từ sông Hoàng Long - sông Đáy - sông Châu - sông Hồng - sông Tô Lịch đến Thăng Long, được tái hiện vô cùng sống động trên sân khấu.
Khán giả cũng mãn nhãn khi được chứng kiến không gian Điện Kính Thiên và sân rồng nơi diễn ra kỳ thi quan trọng của triều đình nhà Lê xưa - kỳ thi Đình được tổ chức 3 năm một lần để chọn ra Trạng Nguyên hiền tài của quốc gia.
Từ câu chuyện của Thái hậu Dương Vân Nga đến câu chuyện của người chinh phụ, “Vàng son một thuở cố đô” đã đem đến một góc nhìn lịch sử khiến người ta phải suy ngẫm. Đó là nếu như người lính sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì non sông, thì những người phụ nữ cũng đã có những hy sinh lớn lao không kém. Câu chuyện người chinh phụ đã khép lại về triều đại cuối cùng, triều đại nhà Nguyễn, khép lại những vàng son một thuở.
Để khán giả có được trọn vẹn cảm xúc khi xem “bộ phim dã sử cổ trang” “Vàng son một thuở cố đô”, đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trong suốt chương trình với câu chuyện liền mạch, chuyển động không ngừng như chứng kiến dòng lịch sử cuồn cuộn chảy qua các triều đại, từ xưa đến nay… là ý tưởng, sáng tạo, sự công phu, tỉ mỉ nhiều tháng trời của ekip thực hiện.
Lần đầu tiên ở một sự kiện nghệ thuật lễ hội, khán giả được thấy toàn bộ bối cảnh, không gian sân khấu không ngừng chuyển động từ đầu tới cuối, nhịp nhàng, sống động, đẹp mắt. Đội ngũ thiết kế sân khấu hàng đầu Việt Nam đã thực hiện lễ khai mạc trên một sân khấu chuyển động hoàn toàn bằng cơ học.
Đây có thể coi là sân khấu chuyển động cơ học đặc biệt nhất từ trước tới giờ tại Việt Nam, với 21 chiếc máy chiếu 3D mapping, những màn trình chiếu gây ấn tượng lớn về mặt thị giác… Ê-kíp có sự kết hợp bàn nâng, bàn xoay, ray trượt, ray âm, có những hệ nâng cao tới 30m, chiều ngang 60m, như thang máy lớn của một tòa nhà 8 tầng,…
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến đã “làm khó” ekip khi đòi hỏi sự biến đổi của ba kinh thành được thể hiện ngay trên sân khấu. Và nhờ sự nghiên cứu tỉ mỉ, sáng tạo của ekip đã đem đến những màn biến đổi ấn tượng, ngoạn mục ngay trên sân khấu, thể hiện được sự đặc sắc, nét riêng của từng kinh thành.
Tất cả mọi thứ được ê kíp chuẩn bị chỉn chu, tinh tế từng chi tiết nhỏ, với mục tiêu lớn là để tôn vinh những con người, những nhân vật, những câu chuyện lịch sử, những anh hùng hào kiệt trong lịch sử Ninh Bình, Việt Nam.
Đêm khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 giúp khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ nhìn nhận lịch sử một cách chân thực nhất, sống động nhất, để có thể cảm nhận bằng trái tim thay vì những thông tin, số liệu ghi trong sách vở.
Góp sức thành công chương trình là hơn 800 nghệ sĩ, diễn viên, quần chúng, bộ đội… đã miệt mài tập luyện tập trung ròng rã hơn 1 tháng nay. Một ấn tượng là với bộ phim/vở đại vũ kịch này là các ca sĩ tham gia chương trình đều hoá thân vào các nhân vật lịch sử chứ không chỉ là ca sĩ biểu diễn đơn thuần. NSND Mai Thuỷ, ca sĩ Tùng Dương, NSƯT Như Huỳnh, NSƯT Thiện Tùng, NSƯT Văn Khuê, ca nương Kiều Anh, nghệ sĩ Anh Quân, Nguyên Vũ, NSƯT Lê Trung Thảo, nghệ nhân xẩm Bùi Công Sơn, nghệ sĩ Nguyễn Viết Danh, ca sĩ Quách Mai Thy, nhóm nhạc Dòng Thời Gian… đã trở thành một tổng hoà trọn vẹn cho bộ phim dã sử cổ trang được thăng hoa, sống động và hấp dẫn.
Sau chương trình, Tác giả kịch bản kiêm Tổng đạo diễn chương trình Lê Hải Yến chia sẻ, để viết được kịch bản chương trình, đã mất nhiều tháng nghiên cứu lịch sử.
“Tôi muốn truyền cảm hứng, khơi dậy tình yêu lịch sử và niềm tự hào dân tộc với khán giả đại chúng, đặc biệt là khán giả trẻ. Xem chương trình, khán giả thấy ngạc nhiên, bất ngờ, thấy xúc động tự hào, thêm yêu quê hương đất nước, thì chương trình của chúng tôi đã thành công”- nữ đạo diễn bày tỏ.
Gửi phản hồi
In bài viết