Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm trong chuyến lưu diễn tại Brazil. (Ảnh: NVCC)
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm là người độc đáo nhất làng rối nước, bởi vì như anh tự gọi mình là gánh rối nước “tự vận hành”, vừa làm nghệ sĩ biểu diễn, vừa làm người thợ tạo tác con rối, vừa làm nhà sản xuất lên chương trình, đồng thời tự chuẩn bị toàn bộ khâu hậu cần, dù diễn tại nhà hay đi lưu diễn.
Anh cũng là nghệ sĩ duy nhất sáng tạo và sở hữu hai thủy đình thu nhỏ tại gia ở Việt Nam cho đến nay, và đều đặn đón khách đến tham quan, thưởng thức nghệ thuật múa rối. Thủy đình rối nước của gia đình anh đặt tại hai địa điểm là Thạch Bàn, Long Biên và Khâm Thiên. Đây không chỉ là nơi đón những đoàn khách quốc tế đến xem trình diễn rối nước, mà còn là nơi giao lưu với nghệ sĩ, trò chuyện, tìm hiểu về ý nghĩa của các con rối, các tích trò, cũng như về nghệ thuật rối nước Việt Nam.
Giữa tháng 11 vừa qua, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm có dịp tham gia các chương trình quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Brazil, theo chương trình “Ngày Việt Nam tại Brazil”, sự kiện trong khuôn khổ “Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2024” với chủ đề “Hội tụ tinh hoa ngàn năm - Vươn mình trong kỷ nguyên mới” do Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO - Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp tổ chức. Mục tiêu của Chương trình là quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế; góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, bền vững và tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân các nước với Việt Nam.
“Ngày Việt Nam tại Brazil” diễn ra ở thành phố Rio de Janeiro từ ngày 15 đến 17/11 với nhiều hoạt động biểu diễn giới thiệu những nét tinh hoa văn hóa đặc sắc của Việt Nam như múa rối nước, múa lân sư rồng và trống hội…
Từng nhiều lần đem rối nước Việt Nam đi trình diễn ở nước ngoài như Italia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Malaysia…, nhưng đây là lần đầu tiên anh mang rối nước đi trình diễn ở một đất nước Nam Mỹ cách Việt Nam tới nửa vòng Trái đất. Rất vất vả và mất nhiều công sức, nhưng nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã chuẩn bị cho chuyến đi vô cùng công phu và chỉn chu đến từng chi tiết.
Mái ngói được sơn son thếp vàng, trang trí hình hai con rồng hai bên và chữ Thọ. Để làm được sân khấu và bộ mái này, cả gia đình anh đã thức cả đêm dán từng viên ngói. “Khán giả rất thích sân khấu có hình ảnh đặc trưng của làng quê Việt với thủy đình, cây đa, ra vào chụp ảnh liên tục” – anh kể lại.
Chuyến lưu diễn xa xôi, nhưng “nhân sự” lại chỉ duy nhất có mỗi mình, cho nên Phan Thanh Liêm phải sắp xếp sao cho mọi thứ phải gọn gàng, dễ vận chuyển, dễ xoay sở nhất. “Tôi phải đi chọn mua loại bạt nào vừa bền chắc, vừa phải nhẹ để vận chuyển đường xa dễ dàng. Mua rồi phải lắp đặt và chạy thử xem có đáp ứng được đúng tiêu chuẩn và yêu cầu để biểu diễn không. Tôi muốn đề phòng, hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất vì ở xa, khó có thể tìm được phương án thay thế nếu xảy ra sự cố”. Sân khấu với những sáng tạo và cải tiến của anh dành riêng cho chuyến đi này đã giảm trọng lượng từ 150 xuống còn 100kg.
Vất vả và cầu kỳ như vậy, với chuyến bay dài nhất từng bay, nhưng nghệ sĩ Phan Thanh Liêm dường như quên hết mọi khó khăn, và lâng lâng với niềm vui và sự háo hức của khán giả Brazil.
“Khán giả đến xem rất đông. Có những người vòng đi vòng lại xem mấy lần, hết buổi diễn còn nán lại chụp ảnh, giao lưu với nghệ sĩ và tận tay điều khiển thử con rối. Họ chưa từng nhìn thấy một bộ môn nghệ thuật nào như thế này, đến mức, có những người nhất định không tin là tôi ngâm mình trong nước để điều khiển con rối. Tôi phải làm thử ngay trước mắt, họ mới tin” – nghệ sĩ Phan Thanh Liêm kể.
Anh cũng chia sẻ rằng, có những phụ nữ lập gia đình ở Brazil, và đã lâu lắm rồi mới gặp lại hình ảnh quê hương. Các chị đã cùng gia đình quay lại nhiều lần để xem, để giao lưu với nghệ sĩ và để trò chuyện về quê hương Việt Nam.
“Tôi tiếc vì không có điều kiện đi nhiều hơn nữa những chuyến đi như thế này. Với những nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật truyền thống như chúng tôi, sự hào hứng của khán giả ở trong hay ngoài nước luôn là động lực rất lớn để chúng tôi giữ nghề và nuôi dưỡng đam mê”.
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm là đời thứ 7 trong một gia đình có truyền thống biểu diễn nghệ thuật múa rối nước. Cha của anh chính là nghệ nhân Phan Văn Ngải, tác giả của Nhà thủy đình lưu động đang được các nhà hát múa rối nước sử dụng và là “cha đẻ” của hình tượng chú Tễu đang được trưng bày tại Bảo tàng Louvre (Pháp).
Không chỉ quảng bá, lan tỏa rối nước truyền thống tại nhà, anh còn có nhiều chuyến lưu diễn khắp nơi trên thế giới, và nguyện vọng của anh là đem vẻ đẹp của rối nước Việt Nam đến càng nhiều nơi càng tốt, để mọi người thêm hiểu và thêm yêu những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật truyền thống.
Gửi phản hồi
In bài viết