Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Hãng phim hoạt hình Việt Nam trao giải Kịch bản phim hoạt hình tiềm năng xuất sắc cho tác giả Nguyễn Mai Dung. (ẢNH: BTC)
Theo Ban tổ chức, sau khi phát động, giải thưởng Khát vọng Hoạt hình 2024 đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng sáng tạo, thiết kế, biên kịch,... trên cả nước với hơn 100 dự án tham gia dự thi 3 hạng mục. Các dự án đoạt giải thưởng không chỉ gây ấn tượng mạnh bởi sự sáng tạo mà còn bởi tiềm năng phát triển, hứa hẹn triển vọng đưa vào sản xuất.
Khát khao chinh phục những cột mốc mới
Trải qua các vòng: sơ khảo, chung khảo và thuyết trình trực tiếp trước Hội đồng giám khảo (gồm các nghệ sĩ, chuyên gia uy tín trong ngành hoạt hình, điện ảnh Việt Nam và Pháp, các nhà đầu tư, nhà sản xuất), 7 tác phẩm xuất sắc nhất đã được lựa chọn trao giải.
Danh sách giải thưởng Khát vọng Hoạt hình 2024:
Kịch bản phim truyện hoạt hình tiềm năng: Tác phẩm “Anna và cuốn sách phép thuật”- Tác giả: Nguyễn Mai Dung
Kịch bản series hoạt hình tiềm năng: Tác phẩm “Rau củ phẫn nộ” - Tác giả: Dương Thu Thảo và Hà Diễm Quỳnh
Phim ngắn hoạt hình xuất sắc: Tác phẩm “Vũ điệu vĩ cầm” - Tác giả: Đặng Đình Vũ; Tác phẩm “The boy who cheated Death” - Tác giả: Pipou Phương Nguyễn
Series phim hoạt hình xuất sắc: Tác phẩm “Hổ và Trâu” - Tác giả: Đỗ Anh Tiến
Bộ nhân vật hoạt hình xuất sắc: Bộ nhân vật Bearee - Tác giả: Team sản xuất Bearee
Bộ nhân vật hoạt hình tiềm năng: Bộ nhân vật Bubu Buffalo - Tác giả: Đặng Thị Thanh Huyên
Bên cạnh các giải thưởng chính thức, Ban tổ chức cũng trao 6 giải thưởng sáng tạo cho những dự án có ý tưởng đặc biệt, mang tinh thần đột phá và dấu ấn cá nhân rõ nét.
Đó là: Phim ngắn hoạt hình sáng tạo trao cho tác phẩm “Khoảng cách” của nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Thanh Bạch và Nguyễn Phúc Thanh Tú và tác phẩm “Người lượm nhặt” của nhóm tác giả SCM Media; Kịch bản phim truyện hoạt hình sáng tạo trao cho tác phẩm “Những chú cừu lạc lối” của tác giả Nguyễn Trung Dũng; Bộ nhân vật hoạt hình sáng tạo trao cho "Em bé chất" của tác giả Gia đình lớn Big Brother’s, "Super Sock" của nhóm tác giả Sock Squad, "Nuton Lola and the Mighty" của tác giả Wuity.
Đặc biệt, Đại sứ quán Pháp và Viện Pháp tại Việt Nam đã trao tặng phần thưởng trị giá 200 triệu đồng cho Kịch bản phim hoạt hình tiềm năng xuất sắc: Tác phẩm “Anna và cuốn sách phép thuật” của tác giả Nguyễn Mai Dung. Dịp này, Sconnect Studio công bố đầu tư sản xuất phim hoạt hình cho kịch bản tiềm năng xuất sắc này.
Phát biểu tại sự kiện, bà Sophie Maysonnave, Tham tán Hợp tác và Phát triển Văn hoá Đại sứ quán Pháp kiêm Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam bày tỏ niềm vui khi được đồng hành cùng Liên hoan phim, đặc biệt là giải thưởng Khát vọng Hoạt hình 2024. Phần thưởng này mục đích để hỗ trợ tác phẩm trong quá trình hoàn thiện, khẳng định sự cam kết trong việc thúc đẩy ngành hoạt hình Việt Nam phát triển, đồng thời củng cố mối quan hệ hợp tác văn hóa và nghệ thuật giữa Việt Nam và Pháp.
Liên hoan phim Hoạt hình Dòng khát vọng lần thứ nhất diễn ra từ 8/11 đến 30/11 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với khoảng 20 sự kiện, hoạt động phong phú, đầy màu sắc.
Chuỗi sự kiện chính được tổ chức từ ngày 22 đến 24/11 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (Hà Nội). Lần đầu tiên được tổ chức, Liên hoan phim hoạt hình Dòng khát vọng đã tạo nên một không gian văn hóa nghệ thuật giao thoa giữa truyền thống và đương đại, để lại dấu ấn đậm nét với các thế hệ nghệ sĩ hoạt hình, cũng như trong lòng người hâm mộ.
Các buổi tọa đàm với các chủ đề “Dòng chảy lịch sử và tương lai hoạt hình Việt Nam”, “Tôn vinh nét họa Việt - Đặc sắc nghệ thuật hoạt hình Việt”, “Khai thác tiềm năng thị trường ngành hoạt hình Việt Nam từ nội địa đến toàn cầu” đã bàn luận về lịch sử phát triển của hoạt hình Việt trong suốt chặng đường 65 năm. Đồng thời, cũng thảo luận về tương lai của ngành hoạt hình trước xu thế phát triển của thị trường, để thấy được bức tranh và cơ hội phát triển trong tương lai của ngành công nghiệp hoạt hình.
Khu trưng bày Tôn vinh nét hoạ Việt cũng là nét độc đáo thu hút khách tham quan và các nhà sản xuất, khai thác nội dung hoạt hình. Đi dọc theo “Rải Rồng - Dòng chảy Hoạt hình Việt”, khán giả được chiêm ngưỡng tên tuổi các nghệ sĩ tài hoa và những tác phẩm hoạt hình kinh điển của Việt Nam, đắm mình trong câu chuyện của những người đã đặt nền móng cho nền hoạt hình Việt Nam tại khu vực trưng bày tiểu sử. Bên cạnh đó là khu trưng hiện vật quý giá gắn liền với lịch sử phát triển của hoạt hình Việt Nam: từ các bản phác thảo đầu tiên, hộp màu nước, máy chiếu phim cổ điển, đến những kịch bản gốc vẫn còn giữ nguyên nét bút tay của các nghệ sĩ đời đầu.
Chợ dự án là nơi các đơn vị sản xuất và các nhà làm phim độc lập có thể giới thiệu, trao đổi và giao dịch ý tưởng sản xuất và khán giả được khám phá các kỹ thuật sản xuất mới, từ 2D, 3D, đến Frame by Frame và Stop motion cùng những dự án hoạt hình tương lai, qua đó cũng thể hiện rõ nét sự đổi mới và sáng tạo của các thế hệ nghệ sĩ hoạt hình Việt Nam.
Tuần lễ chiếu phim hoạt hình Việt-Pháp miễn phí được tổ chức từ ngày 16 đến 30/11, thu hút hàng nghìn lượt khán giả đăng ký xem phim tại các cụm chiếu khác nhau. Các bộ phim được chiếu là những tác phẩm hoạt hình đặc sắc từ Việt Nam và Pháp, tạo cơ hội giao lưu văn hóa và hợp tác phát triển điện ảnh của hai quốc gia.
Đặc biệt, sự kiện ra mắt thương hiệu Sconnect Studio và Sconnect Music (thành viên của Hệ sinh thái Sconnect) và công bố 4 dự án sản xuất phim điện ảnh hoạt hình “Make in Vietnam” với tựa đề: “Truyền thuyết Kim Ngưu”, “Wolfoo và cuộc đua tam giới”, “Chiến binh gốm Blank Blank” và “Zombie mắt lác” không chỉ khẳng định tiềm năng sản xuất hoạt hình điện ảnh chất lượng cao của các nhà sản xuất trong nước mà còn góp phần nâng cao vị thế của hoạt hình Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Gửi phản hồi
In bài viết