Cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở Thái Bình.
Bên cạnh đó, việc cung ứng vật tư cũng đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất; nhiều địa phương, doanh nghiệp tổ chức tốt các dịch vụ hỗ trợ nông dân và thu mua tiêu thụ sản phẩm; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được đẩy mạnh và phát huy để gia tăng giá trị.
Ngoài ra, các địa phương tích cực xây dựng đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt trên diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Cùng với đó, chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào dồn điền đổi thửa, thực hiện cánh đồng lớn được phát triển tạo ra các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa với các giống lúa chất lượng cao giúp tăng hiệu quả sản xuất.
Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết: “Vụ đông xuân 2023-2024 cả nước gieo cấy được 2,96 triệu ha lúa, tăng khoảng 1,6 nghìn ha so với cùng kỳ; năng suất ước đạt khoảng 68,7 tạ/ha, sản lượng 20,3 triệu tấn. Đây là vụ sản xuất tương đối thành công, mang lại hiệu quả sản xuất cao cho bà con nông dân”.
Theo kế hoạch, vụ hè thu năm 2024, các địa phương trên địa bàn cả nước dự kiến gieo cấy khoảng 1,91 triệu ha lúa, phấn đấu năng suất đạt khoảng 57,8 tạ/ha, sản lượng 11 triệu tấn.
Qua nhận định, vụ sản xuất lúa hè thu năm 2024 khả năng gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, mưa, bão, lũ, sâu bệnh gây hại…Vì vậy, Cục Trồng trọt lưu ý các địa phương cần theo dõi sát tình hình thời tiết để có phương án ứng phó; chủ động rà soát những diện tích lúa có khả năng bị hạn hán, thiếu nước cả vụ cần chuyển đổi sang cây trồng khác.
Tích cực triển khai các đề án, chiến lược, chỉ thị của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo; đặc biệt tập trung triển khai Đề án “một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Gửi phản hồi
In bài viết