Sẵn sàng các điều kiện để tái đàn vật nuôi

- Sau Tết Nguyên đán, các trang trại, gia trại chăn nuôi đang rục rịch tái đàn trở lại chuẩn bị cho một vòng sản xuất mới. Đảm bảo chăn nuôi hiệu quả, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đang được người chăn nuôi thực hiện nghiêm túc.

Vừa xuất bán lứa lợn thịt trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, ông Triệu Văn Đang, thôn Làng Nhà, xã Kim Quan (Yên Sơn) tiến hành thu dọn, vệ sinh sạch sẽ, rắc vôi và phun thuốc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi và chuồng trại. Ông Đang cho biết, vệ sinh, khử trùng xong ông sẽ “phơi” chuồng khoảng 20 - 30 ngày, sau đó mới vào đàn trở lại. Nguồn gốc giống cũng được ông Đang lựa chọn kỹ lưỡng, con giống khỏe mạnh, được chứng nhận của ngành chuyên môn sạch bệnh. Thực hiện đúng quy trình an toàn dịch bệnh, nghề chăn nuôi của gia đình ông Đang luôn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lý Chuyên Gia, thôn Ngòi Khang, xã Minh Dân (Hàm Yên)
phun thuốc khử trùng chuồng trại chăn nuôi.

Gia đình ông Lý Chuyên Gia, thôn Ngòi Khang, xã Minh Dân (Hàm Yên) cũng đang tiến hành tổng vệ sinh toàn bộ khu vực chuồng trại chăn nuôi. Ông Gia cho biết, đầu năm 2020 ông chủ quan vừa xuất bán lứa gà Tết, ông tái đàn ngay, có thể phương tiện vận chuyển của thương lái mang vi rút cúm gia cầm xâm nhập vào trang trại nên chỉ vài ngày sau hàng trăm con gà của gia đình nhiễm cúm gia cầm buộc phải tiêu hủy, thiệt hại lớn về kinh tế. Rút kinh nghiệm năm nay, ông thực hiện nghiêm việc tiêu độc, khử trùng đồng thời giãn cách 1 thời gian trước khi tái đàn.  

Theo ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, qua kiểm tra tại một số địa phương người dân đã ý thức hơn trong phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi nên Tết Nguyên đán vừa qua, nhu cầu tiêu thụ, vận chuyển, giết mổ sản phẩm chăn nuôi tăng cao đột biến song toàn tỉnh không ghi nhận các ổ dịch truyền nhiễm nguy hiểm phát sinh. Tuy nhiên, chưa hẳn dịch bệnh trên đàn vật nuôi đã được kiểm soát triệt để, thực tế cho thấy dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên vật nuôi có cơ chế lây lan rất phức tạp, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm với các chủng tuýp A/H5N1 và chủng tuýp A/H5N6... một số bệnh dịch hiện chưa có vắc xin cũng như thuốc phòng, điều trị. Trong khi đó, ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn nhỏ lẻ, tự phát, thiếu đầu tư, chỉ một số ít trang trại, gia trại áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh thú y, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, tái phát hoàn toàn có thể xảy ra.

Kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo chăn nuôi hiệu quả, trước khi tái đàn trở lại, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Công khuyến cáo, người chăn nuôi cần tuân thủ đúng các yêu cầu về chăn nuôi an toàn dịch bệnh và vệ sinh thú y; thực hiện tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm đến tuổi tiêm phòng theo quy định; thường xuyên thu dọn, vệ sinh, khử trùng bên trong và ngoài chuồng nuôi; cho vật nuôi ăn đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng. Thời điểm hiện nay, thường xuất hiện mưa phùn độ ẩm trong không khí cao, nhiệt độ thấp người chăn nuôi cần che chắn chuồng trại, tránh gió lùa, giữ ấm cho vật nuôi, nhất là đối với gia súc, gia cầm còn nhỏ. Theo dõi, phát hiện và xử lý sớm vật nuôi nhiễm bệnh, tổ chức khoanh vùng, dập dịch ở phạm vi hẹp, tuyệt đối không vận chuyển, giết mổ vật nuôi ốm, chết không rõ nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục