Chủ động phòng chống cúm gia cầm

- Thời điểm giao mùa, dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt là cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát. Toàn tỉnh có hơn 6 triệu con gia cầm các loại, một số địa phương đã từng xuất hiện dịch, việc chủ động các biện pháp phòng chống cúm gia cầm được ngành chức năng đặc biệt coi trọng.

Hợp tác xã Giống gia cầm Minh Tâm, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) thời điểm này còn duy trì trên 3.000 con giống. Với hơn 20 năm kinh nghiệm, Giám đốc Hợp tác xã Trần Văn Phúc cho biết, chuồng trại chăn nuôi của các thành viên trong hợp tác xã được lựa chọn đặt ở những nơi cách biệt, thông thoáng; việc tiêm phòng các loại bệnh được ông và các thành viên nghiêm túc thực hiện. Nhờ thế, đàn gia cầm phát triển ổn định và rất ít khi mắc bệnh. Dự kiến khoảng tháng 6, tháng 7, các thành viên sẽ tiếp tục tăng đàn để có nguồn con giống phục vụ chăn nuôi dịp cuối năm cho các tỉnh, thành có nhu cầu.


Nhân viên Thú y của Trại gà Ỷ La (TP Tuyên Quang) phun khử trùng chuồng trại chăn nuôi.

Sau Tết, Hợp tác xã Gà thiến Bình Xa (Hàm Yên) cũng đang chuẩn bị vào đàn hơn 2.000 con. Chị Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, trước khi vào đàn, hợp tác xã hướng dẫn các thành viên xây dựng chuồng trại đảm bảo các tiêu chí thoáng mát về mùa hè, ấm áp, kín gió về mùa đông, tất cả con giống phải được tiêm phòng đầy đủ.

Hiện, toàn tỉnh có hơn 6 triệu con gia cầm, đến thời điểm này, trên địa bàn chưa xảy ra dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trên địa bàn tỉnh đã từng xuất hiện một số ổ dịch tại một số địa phương nên việc chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh được ngành Nông nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người chăn nuôi. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, không được chủ quan, lơ là trước tình hình dịch bệnh; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu vào địa bàn để tiêu thụ, không có kiểm dịch của cơ quan chức năng.

Ngành Nông nghiệp chỉ đạo và phân công cho đội ngũ cán bộ chuyên môn của huyện, cán bộ nông nghiệp và thú y xã, thôn nắm chắc tình hình tại cơ sở, kịp thời phát hiện và xử lý gia cầm bị chết do mọi nguyên nhân khi còn trong phạm vi hẹp; hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; khuyến cáo người chăn nuôi chủ động tiêm vắc xin cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng. Đồng thời, tổ chức tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao tại các huyện, thành phố để tiêu diệt các loại mầm bệnh…

Nhân viên Thú y của Trại gà Ỷ La (TP Tuyên Quang) tiêm phòng đàn gia cầm.

Một giải pháp nữa, theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Công, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cần chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh cúm gia cầm, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra; tổ chức kiểm tra việc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên từng địa bàn, chi tiết đến từng thôn xóm, hộ chăn nuôi, đặc biệt tại những nơi có nguy cơ cao, ổ dịch cũ nơi đã phát sinh dịch bệnh trước đây. Ông Ma Quang Hưng, nhân viên thú y xã Minh Dân (Hàm Yên) cho biết, Minh Dân là địa phương xuất hiện cúm gia cầm hồi tháng 4 - 2020. Cuối năm 2020, đầu năm 2021, các hộ dân có đàn gia cầm mắc bệnh đã quay trở lại tái đàn. Để đảm bảo việc tái đàn an toàn, hiệu quả, cán bộ thú y đã hướng dẫn người dân phun hóa chất tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột, sử dụng nguồn con giống có nguồn gốc và tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh.  

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Công nhấn mạnh, các cơ quan chuyên môn phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ về tác hại dịch cúm gia cầm, qua đó chủ động phòng, tránh dịch bệnh. người dân không vận chuyển, buôn bán, ăn thịt gia cầm mắc bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, chủ động khai báo khi gia cầm có biểu hiện mắc bệnh không rõ nguyên nhân. Khi phát hiện gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh cần báo ngay cho lực lượng thú y để có các biện pháp xử lý kịp thời như: khoanh vùng, bao vây cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, nếu phát hiện bị nhiễm bệnh cần phải tiêu hủy ngay để tránh lây lan ra diện rộng.

Bài, ảnh: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục