Bài 1: "Lợi ích kép" từ giao, nhận khoán rừng
Việt làm thế nào để giữ được rừng và phát triển kinh tế từ rừng luôn là bài toán khó trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Đối với Tuyên Quang để phát triển rừng bền vững tỉnh đã thực hiện tốt việc giao đất, giao rừng; có các chính sách nhằm nâng cao trách nhiệm, quyền lợi kinh tế của chủ rừng, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, đồng thời cần đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, khai thác, chế biến để đem lại giá trị kinh tế cao hơn từ rừng.
>>Bài 2: Thay tư duy, đổi chất lượng
>>Bài 3: Hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng
Quyết sách để bảo vệ, phát triển vốn rừng
Thực hiện các chính sách về quản lý phát triển rừng của Chính phủ, Tuyên Quang đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định thực hiện bảo vệ, phát triển rừng đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Mục tiêu của Tuyên Quang đặt ra là phát triển lâm nghiệp phải bảo đảm cả lợi ích kinh tế và lợi ích môi trường sinh thái; trồng rừng, bảo vệ rừng đi đôi với khai thác, chế biến sản phẩm từ rừng, tạo sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập cho người lao động. Phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng làm tốt công tác bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gắn với phát triển kinh tế du lịch; phát huy lợi thế sinh thái của tỉnh để phát triển mạnh việc trồng rừng và khai thác bền vững rừng sản xuất, bảo đảm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản, nhu cầu dân dụng, chế biến hàng tiêu dùng và xuất khẩu; nâng cao tỷ trọng kinh tế lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp của tỉnh.
Ông Nguyễn Công Nông, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giai đoạn đầu của thời kỳ thực hiện giao đất, giao rừng cho các chủ rừng, hộ gia đình gặp rất nhiều khó khăn, đất trống, đồi trọc, giá gỗ rừng trồng thấp nên “cho không” nhưng không ai muốn nhận. Phong trào “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” được phát động ở khắp các địa phương trong tỉnh. Chính từ phong trào này, đất rừng đã được giao, khoán đến hộ gia đình và màu xanh của rừng lan rộng và phủ kín đất lâm nghiệp.
Ông Bàn Văn Dưỡng, thôn Cây Thôn, xã Hùng Đức (Hàm Yên) kiểm tra rừng của gia đình
nhận khoán từ chương trình 327. Ảnh: Cao Huy
Ông Lê Đức Hiệp, tổ dân phố Tân Phúc, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) không thể quên thời kỳ ông nhận khoán 20 ha rừng. Năm 1992, ông Hiệp giữ chức Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Tân Trào, Nhà nước có chủ trương giao đất lâm nghiệp cho người dân quản lý, trồng rừng nhưng người dân ở thị trấn cũng chỉ nhận đất lâm nghiệp ở khu đồi núi thấp, toàn bộ diện tích núi cao, xa xôi không ai lấy. Ông Hiệp bảo, là cán bộ, ông làm gương đứng ra nhận trồng rừng, để làm gương cho nhân dân. Để phủ xanh 20 ha đất khoán, ông Hiệp loay hoay chuyển đổi qua bao nhiêu đối tượng cây trồng nhưng vẫn thất bại, cuối cùng ông trồng keo đã đem lại cho ông khối tài sản lớn.
Ông Bàn Văn Dưỡng, dân tộc Dao, Trưởng thôn Cây Thông, xã Hùng Đức (Hàm Yên) lúc nhận đất rừng mới là chàng thanh niên, giờ đã gần 60 tuổi. Ông Dưỡng bảo, thời đó, mình trẻ lại là đảng viên lên tiên phong xung kích nhận khoán 5 ha đất rồi bắt tay trồng cây gây rừng. Ngày trước rừng chưa có giá trị ông phải trồng xen sắn, xen ngô lấy nguồn lương thực để chăn nuôi tăng gia sản xuất, thêm thu nhập cho gia đình. Trước lấy ngắn nuôi dài từ kinh tế rừng, hơn chục năm trở lại đây giá trị rừng tăng, ông chuyên canh trồng rừng. Làm theo ông Dưỡng, người Dao xung phong nhận khoán, hết đất khoán, họ chủ động liên kết với công ty lâm nghiệp trên địa bàn đầu tư trồng rừng để chia lợi nhuận. Ông Dưỡng khẳng định, 40 hộ chiếm 1 nửa số hộ trong thôn nhận liên kết trồng rừng nguyên liệu cho doanh nghiệp với quy mô trên 80 ha đã có cuộc sống khá từ rừng.
Những tỷ phú rừng
Phó Chi cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Triệu Đăng Khoa khẳng định, chủ trương đúng, chính sách hợp lòng dân, hàng trăm nghìn ha đất lâm nghiệp đã được giao về cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, bảo vệ và phát triển. Màu xanh của keo, của bạch đàn, bồ đề giờ đã phủ kín các núi đồi, người dân Tuyên Quang, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đang làm giàu từ nghề rừng.
Tỷ phú rừng Đỗ Đình Hân, thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) sở hữu 50 ha đất lâm nghiệp, trong đó đất trồng rừng trên 40 ha, còn lại là cây ăn quả. Ông Hân khẳng định, những năm gần đây riêng cây ăn quả và sản lượng gỗ khai thác của gia đình ông đã đạt cả tỷ đồng/năm. Ông Hân bảo, trước ông và nhiều người ở đất này còn thiếu đói trong mùa giáp hạt, nhưng từ khi bén duyên với nghề trồng rừng, gia đình ông đã có của ăn, của để, xây được nhà kiên cố, nuôi con cái khôn lớn trưởng thành.
Cán bộ Công ty lâm nghiệp Sơn Dương kiểm tra diện tích rừng trồng nguyên liệu gỗ. Ảnh: Cao Huy
Có trong tay 40 ha rừng (bao gồm cả nhận khoán và liên kết), ông Trần Ngọc Thái, thôn Đồng Tậu, xã Lương Thiện (Sơn Dương) cũng nằm trong tốp những hộ có thu nhập tiền tỷ từ kinh tế rừng trên đất xứ Tuyên này. Ông Thái kể, những năm 90 của thế kỷ trước, Đảng, Nhà nước thực hiện chính sách, giao đất, khoán rừng, ông đã chủ động liên doanh với Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương nhận trồng 30 ha rừng. Hơn chục năm chăm sóc, năm 2002, rừng cho khai thác, gia đình ông thu lãi gần 500 triệu đồng, số tiền mà trước đây ông nào dám nghĩ đến. Thấy ông là người có trách nhiệm, yêu rừng, chăm rừng nên công ty tạo điều kiện cho ông tiếp tục trồng rừng liên doanh trên diện tích hiện có, đồng thời giao thêm 10 ha rừng nữa. Năm 2012, khai thác chu kỳ rừng thứ 2, gia đình ông Thái thu lãi gần 1,5 tỷ đồng. Hiện tại, phần lớn diện tích rừng trồng ở chu kỳ 3 đã đến kỳ khai thác và lần này, nguồn thu từ rừng chắc chắn sẽ gấp đôi, ông Thái khẳng định.
Theo số liệu của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có trên 448.000 ha đất lâm nghiệp, chiếm 76% diện tích tự nhiên, diện tích rừng hiện có trên 415.000 ha, trong đó, có trên 233.000 ha rừng tự nhiên; trên 182.000ha rừng trồng sản xuất, chiếm 12,27% toàn vùng Trung du miền núi phía Bắc. Hàng năm, Tuyên Quang thực hiện trồng mới trên 10.000 ha rừng sản xuất, trong đó có trên 1.000 ha rừng trồng bằng giống cây chất lượng cao.
Đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Tuyên Quang đạt 65%, đứng tốp 3 tỉnh có độ che phủ của rừng lớn nhất cả nước. Điều này góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế được nhiều loại hình thiên tai do tác động do biến đổi khí hậu. Và cũng với vốn rừng này Tuyên Quang đã và đang tạo ra lợi thế lớn để thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ, phát triển du lịch sinh thái, ngành nghề thủ công mỹ nghệ...
Gửi phản hồi
In bài viết