>>Bài 1: "Lợi ích kép" từ giao, nhận khoán rừng
>>Bài 3: Hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng
“Cuộc cách mạng” về rừng trồng
Trồng, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn của các tổ chức, cá nhân làm rừng ở nhiều địa phương trong tỉnh đã đạt được mục tiêu tăng hiệu quả kinh tế, hạn chế xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái... Diện tích rừng trồng hoặc chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn được đánh giá là mang lại đa lợi ích như tiết kiệm chi phí giống, chăm sóc; tăng hiệu quả kinh tế, hiện tại giá trị rừng gỗ lớn gấp 3 - 4 lần so với rừng gỗ nhỏ. Hơn nữa rừng gỗ lớn đã hạn chế thấp nhất suy thoái đất rừng. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mai Thị Hoàn, đây được ví như cuộc cách mạng trồng rừng, khi những diện tích rừng chuyển đổi sang gỗ lớn được kỳ vọng không chỉ đạt số lượng mà chất lượng rừng cũng tốt hơn.
Nhóm hộ trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC thôn Sơn Thủy, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) chăm sóc,
theo dõi quá trình phát triển của cây. Ảnh: Lại Cao Huy
Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn hiện có khoảng 60 ha rừng gỗ lớn, tuổi cây từ 8 – 10 năm. Đội sản xuất 974 của công ty đang quản lý hơn 6 ha rừng bồ đề 8 -10 năm tuổi. Ông Phạm Văn Quân, Đội trưởng Đội sản xuất phấn khởi cho biết, theo tính toán, mỗi ha rừng này trị giá từ 200 - 220 triệu đồng/ha tùy vào từng lô, tăng gấp hơn 3 - 4 lần so với rừng gỗ nhỏ ở chu kỳ 6 năm. Không những giá trị kinh tế gia tăng, hàng năm công nhân của đội sản xuất vẫn bảo đảm thu nhập từ chính diện tích rừng bằng việc trồng dứa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật. Trồng rừng gỗ nhỏ 6 năm khai thác phải tái đầu tư trồng lại, trong khi rừng gỗ lớn 12 năm mới khai thác và trồng lại nên tiết kiệm thêm 1 lần đầu tư giống, phân bón, công chăm sóc.
Không chỉ ở các công ty lâm nghiệp, hiện nhiều người dân cũng đã tính đến chuyện đầu tư sản xuất rừng gỗ lớn thay vì khai thác sớm như trước đây. Anh Hoàng Văn Thính, thôn Mỹ Lộc, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) hiện có hơn chục ha rừng. Anh Thính bảo, trước đây cứ chừng 5-6 năm, gỗ rừng có khi chỉ bằng bắp chân đã khai thác rồi. Nhưng 2 – 3 năm nay, nhà anh dừng lại. Phần vì đa dạng các nguồn thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt, phần vì cảm thấy tiếc. Cả ha rừng 5-6 năm cũng chỉ thu khoảng dăm bảy chục triệu, giờ anh để thêm vài năm nữa, sinh khối gỗ lớn, chắc chắn thu nhập sẽ cao hơn. Anh Thính tính toán, nhà anh có khoảng 6 ha keo 8-9 năm tuổi rồi, dự tính khi khai thác sẽ được ít nhất 120 triệu đồng/ha.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 69.000 ha rừng gỗ lớn. Bà Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đây sẽ là hướng đi mới vô cùng có giá trị không chỉ với kinh tế mà quan trọng hơn là với môi trường tự nhiên. Chủ trương của Tuyên Quang trong những năm tới đây là chuyển đổi việc trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, trong đó, khuyến khích những cây gỗ bản địa mang lại hiệu quả cao.
Cán bộ Trung tâm Thực nghiệm thực hành và Chuyển giao khoa học công nghệ
kiểm tra bình nhân giống keo lai nuôi cấy mô.
Không ngừng mở rộng diện tích rừng cấp chứng chỉ
Tại Quyết định 295/QĐ-UBND ngày 7-9-2016 phê duyệt Đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng, Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có trên 11.000 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Con số này, trên thực tế đã đạt gần 36.000 ha, chiếm gần 20% ha diện tích rừng sản xuất của tỉnh và đứng thứ 2 toàn quốc. Số lượng địa phương tham gia vào hành trình đưa gỗ rừng trồng ra thế giới cũng liên tục được mở rộng, từ Yên Sơn, đến Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa. Đáng nói, hầu hết những hộ tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế đều là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Công Đa là xã thuộc Chương trình 135 của huyện Yên Sơn. Hiện, xã có 124 hộ dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC với diện tích gần 500 ha. Rừng được cấp chứng chỉ đã và đang giúp các hộ dân trong xã vươn lên thoát nghèo bền vững với thu nhập hàng trăm triệu đồng trên mỗi ha rừng. Gia đình ông Bùi Quang Chung, thôn Khuân Bén có 7 ha rừng trồng keo được cấp chứng chỉ FSC. Trước đây, do trồng tự phát, tự chăm sóc cho nên chất lượng cây keo không đều, hay bị sâu bệnh. Khi thu hoạch, giá bán cũng không ổn định, thường xuyên bị thương lái ép giá. Sau khi trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, rừng được quản lý bền vững hơn, đất đai được bảo vệ, hạn chế xói mòn, môi trường được cải thiện. Vừa rồi, gia đình ông khai thác hai lô rừng đầu tiên, với tổng diện tích 3,8 ha, trừ chi phí, ông thu lãi hơn 120 triệu đồng/ha. Ông Chung cho biết, ngoài việc được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng chăm sóc, mỗi khối gỗ khai thác ông còn được hỗ trợ 100 nghìn đồng, hơn nữa sản phẩm được bao tiêu toàn bộ, nghiệm thu xe gỗ nào là được thanh toán tiền ngay.
Người dân thôn Mỹ Lộc, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) thăm rừng.
Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng nhóm Cấp chứng chỉ rừng FSC xã Công Đa phấn khởi, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, bản thân có sức khỏe, đất khỏe, môi trường xung quanh cũng nhờ thế tốt tươi hơn. Chưa kể, giá mua mỗi ha rừng cũng tăng đến 15%.
Người nông dân thay đổi cách làm, Nhà nước đầu tư nâng cao chất lượng cây giống. Từ chỗ khuyến khích, có cơ chế hỗ trợ người dân chuyển đổi sang cây giống chất lượng cao, mỗi năm khoảng 1.000 – 1.300 ha từ năm 2017 đến nay, nhiều người dân đã chủ động tự tìm nguồn cây giống là cây keo lai nuôi cấy mô, keo tai tượng nhập ngoại… để nâng chất lượng gỗ rừng trồng của gia đình. Trong đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp Tuyên Quang giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2035, Tuyên Quang phấn đấu có ít nhất 75% diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC; năng suất rừng trồng kinh doanh gỗ lớn đạt 170 m3/ha/chu kỳ… và trở thành hình mẫu về phát triển lâm nghiệp.
Từ chỗ phải vận động người dân trồng rừng, sau những chính sách, bước đi phù hợp, người dân đã nhận thức được hiệu quả mà rừng đem lại. Tuyên Quang trở thành thủ phủ của rừng, là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.
Gửi phản hồi
In bài viết