Tình trạng thiếu nước sản xuất đã được các địa phương khắc phục từ trước Tết nguyên đán. Ông Hoàng Đức Trưởng, Trưởng phòng kỹ thuật khai thác công trình thủy lợi, Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh cho biết, ngay sau khi Hồ thủy điện Tuyên Quang xả nước phục vụ sản xuất, các địa phương đã chủ động các biện pháp tích trữ; một số trạm bơm dọc sông Lô thuộc các xã Đông Thọ, Văn Phú, Đại Phú (Sơn Dương) do máy hút bị treo, sửa chữa nâng cấp các hồ chứa... cũng đã được bơm hỗ trợ từ trước Tết nguyên đán. Theo ông Trưởng, đến thời điểm này cơ bản đủ nước gieo cấy.
Phụ nữ xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) đổi công cấy lúa.
Vụ xuân này, Chiêm Hóa gieo cấy 3.948 ha lúa, trong đó lúa thuần trên 1.200 ha, còn lại là lúa lai. Ông Lâm Đình Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết, ngay từ đầu vụ, đơn vị đã tập huấn sản xuất vụ xuân cho bà con nông dân về thời vụ gieo cấy, quy trình ngâm ủ mạ, chăm sóc mạ. Các xã đều chỉ đạo bà con nhân dân chủ động tu sửa, nạo vét kênh mương nội đồng đảm bảo nguồn nước tưới tiêu phục vụ cho gieo cấy. Một số xã thiếu nước cục bộ như Minh Quang, Phúc Sơn đã chủ động chuyển đổi sang trồng lạc xuân. Ông Chiến nhận định, từ cuối tháng Chạp, thời tiết cơ bản ổn định và thuận lợi cho sự sinh trưởng, phát triển của mạ. Từ trước Tết Nguyên đán, các xã đã gieo cấy trên 1.500 ha lúa. Dự kiến toàn bộ diện tích lúa xuân sẽ được hoàn thành trước ngày mùng 10 tháng Giêng.
Theo đồng chí Ngô Đình Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thịnh, vụ xuân năm nay xã gieo cấy 170 ha lúa. Thuận lợi trong sản xuất vụ xuân nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung của Phúc Thịnh là địa phương đã hoàn thành hơn 17 km mương tưới tiêu, 100% cánh đồng đã có đường nội đồng thuận tiện cho việc đưa cơ giới hóa vào khâu sản xuất. Toàn xã cũng có hơn 40 máy làm đất, trung bình mỗi thôn bản có từ 5 - 7 máy làm đất nên tiến độ sản xuất đã được đẩy lên rất nhanh.
Khác với những năm trước, vụ xuân năm nay, xã Lăng Can (Lâm Bình) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện thí điểm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, với tổng diện tích 3 ha tại thôn Phai Tre A, nhằm tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng và sức khỏe cộng đồng. Toàn bộ diện tích này bà con đã hoàn thành cấy từ trước Tết Nguyên đán. Việc áp dụng cách thức sản xuất này “vừa mới vừa cũ” đối với bà con nông dân, vì thực tế, cách thức sản xuất truyền thống đã được bà con áp dụng từ nhiều đời, sau này, do sự phát triển của khoa học, công nghệ, cộng với việc thiếu hụt lao động nên bà con làm quen với lối sản xuất “nhanh - thuận - tiện”. Hy vọng từ mô hình của Phai Tre A, trong vụ mùa và các năm tiếp theo, diện tích lúa hữu cơ ở Lâm Bình sẽ liên tục được mở rộng.
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vụ xuân năm nay Tuyên Quang thực hiện gieo cấy 18.651 ha. Bảo đảm hiệu quả cho sản xuất vụ xuân, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ và yêu cầu UBND các xã, thị trấn cũng như các cơ quan chức năng chỉ đạo, triển khai thường xuyên việc diệt chuột, ốc bươu vàng... bằng các biện pháp thích hợp.
Ngoài 16 giống lúa được lựa chọn đưa vào gieo trồng vụ xuân của tỉnh, trong đó có một số giống chủ lực như Iri 352, N97, J02, Nhị ưu 838, Bắc Thơm số 7, Đài thơm số 8, Bắc Hương số 9... bắt đầu từ vụ xuân này, tỉnh bổ sung giống VNR 20 vào cơ cấu giống lúa mới của tỉnh. Theo ông Tuyên, đây đều là các giống lúa chất lượng có sức chống chịu tốt sâu, bệnh hại thích nghi với thời tiết bất thuận.
Đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động do lực lượng lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh, việc cấy đổi công được người dân các địa phương linh hoạt thực hiện. Đồng thời, thực hiện gieo sạ đối với các diện tích phù hợp. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, trong hơn 3.000 ha lúa đã hoàn thành cấy trước Tết, có hơn 120 ha được thực hiện theo hình thức gieo sạ, chủ yếu ở Yên Sơn, Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang.
Để sản xuất vụ xuân năm 2021 thắng lợi, ngoài việc chỉ đạo các địa phương tập trung tối đa nhân lực, vật lực hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ xuân, ngành Nông nghiệp yêu cầu các địa phương tăng cường hướng dẫn, đôn đốc nông dân tập trung lấy nước đổ ải; đưa nước đến đâu, làm đất giữ nước đến đó; tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa để lấy nước, trữ nước vào đồng ruộng, không để thất thoát, lãng phí nước. Mặt khác, với diện tích không chủ động được nước tưới hoặc quá khó khăn trong việc lấy nước sẽ chuyển sang trồng cây rau màu và các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Với tinh thần quyết tâm hoàn thành kế hoạch, mục tiêu đề ra, thắng lợi của vụ xuân sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế địa phương trong năm 2021.
Gửi phản hồi
In bài viết