Sẵn sàng chia sẻ

- Cuối tháng này, gần bốn triệu cán bộ, công chức, viên chức sẽ thực hiện kê khai tài sản lần đầu theo Nghị định 130 /2020 của Chính phủ. Đây là cuộc “tổng điều tra” tài sản quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với số đối tượng tham gia mở rộng hơn so với trước. Việc thực hiện nghiêm túc sẽ tạo nên nguồn dữ liệu quan trọng, mang tính nền tảng để giám sát cán bộ, xử lý người kê khai không trung thực.

Nhìn lại việc kê khai tài sản trước đây, không nhiều người đánh giá cao vì có vẻ còn hình thức. Năm ngoái, trong hơn một triệu cán bộ thuộc diện kê khai, chỉ có 10 trường hợp bị phát hiện là “có vi phạm”, trong đó tám người bị kỷ luật, tỷ lệ người bị kỷ luật là một trên 100 nghìn trường hợp. Đã có ý kiến nhận xét “cán bộ của ta không nói là nghèo, nhưng theo kê khai rất nghèo”. Nhiều người không hiểu tại sao có những công chức hưởng lương nhà nước nhưng lại có nhà to, tài sản giá trị đến vài trăm năm tiền lương...

Vì vậy, nhân dân rất kỳ vọng vào tính nghiêm minh của việc kê khai tài sản theo nghị định mới ban hành. Nhưng cũng mong muốn quá trình xử lý, công khai thông tin bảo đảm minh bạch. Xã hội ngày càng văn minh, dân chủ. Với một số đối tượng, cần công khai thông tin tài sản qua nhiều kênh giúp đông đảo nhân dân và các tổ chức đại diện được biết và cùng giám sát.

Nhân dân sẵn sàng chia sẻ gánh nặng với nhà nước, nếu được tin tưởng. Sự tham gia tích cực của người dân sẽ đảm bảo cho thành công của việc kê khai tài sản sắp tới; góp phần phát hiện các vi phạm về phòng, chống tham nhũng.            

  Ngọc Linh

Tin cùng chuyên mục