Đủ lượng giống, vật tư phục vụ sản xuất
Cửa hàng vật tư nông nghiệp xã Xuân Vân (Yên Sơn) thuộc hệ thống phân phối của Công ty cổ phần Giống vật tư nông nghiệp Tuyên Quang đã có đủ các loại giống cây trồng bao gồm: ngô, lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cung ứng sản xuất vụ xuân ở các địa phương.
Anh Đào Văn Chiến, chủ cửa hàng cho biết, phục vụ sản xuất của người dân trong xã và vùng lân cận, ngoài lượng giống phân phối độc quyền của công ty, cửa hàng đã nhập thêm 7 giống lúa nằm trong cơ cấu giống của tỉnh gồm: Thái Xuyên, Hương ưu 98, Nhị Ưu, HMC2, Thái Bình... để đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. So với năm 2022, 2023 năm nay giá giống có sự biến động, tăng từ 5-7 nghìn đồng/kg, tùy từng loại; các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giá không thay đổi. Cũng theo anh Chiến, giá giống tăng nên người dân cũng dè chừng, thận trọng hơn khi lựa chọn giống, phần lớn người dân chọn các giống đã từng canh tác trên đồng đất địa phương.
Thanh tra Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra cơ sở kinh doanh giống, vật tư trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.
Tại cửa hàng giống vật tư, phân bón xã Hồng Lạc (Sơn Dương) các loại giống lúa, ngô và một số giống cây trồng khác cũng đã tập kết đủ để phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân trong vùng. Theo chủ cửa hàng, người nông dân trong vùng thường gieo trồng sớm hơn nên cửa hàng đã nhập hàng và cung ứng giống từ thời điểm cuối năm 2023. Hiện tại 1/2 lượng giống đã được tiêu thụ, số lượng giống còn lại chỉ là giống ngắn ngày đại lý nhập về để dự trù phòng trường hợp thời tiết rét đậm, rét hại gây thiệt hại cho mạ non, phải gieo bổ sung.
Ông Phạm Văn Tuyển, Phó Giám đốc Công ty cổ phần giống, vật tư nông nghiệp Tuyên Quang cho biết, đơn vị đã cung ứng 30 tấn lúa lai Sán ưu 63 về các hệ thống cửa hàng, đại lý ở khắp các huyện, thành phố. Ngoài cung ứng giống, hơn 3.000 tấn phân bón cũng được nhập về để cung ứng phục vụ sản xuất vụ xuân.
Đánh giá của ngành chuyên môn, năm nay, thị trường giống tương đối đa dạng, phong phú, với sự xuất hiện của nhiều giống lúa lai, lúa thuần mới chất lượng cao, chịu thâm canh, gạo ngon, thời gian sinh trưởng ngắn, như: Bắc Hương, Hương Ưu 98, TBR 225, TBR 45, Thiên Ưu 8, NH 6...
Để đáp ứng đủ giống cho gần 18.000 ha gieo cấy vụ chiêm xuân năm nay, toàn tỉnh cần tới gần 1 nghìn tấn giống lúa lai, lúa thuần các loại. Ghi nhận tại thời điểm này, thị trường giống, vật tư phân bón vẫn tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoặc sốt giá. Một số đơn vị sản xuất giống trong nước đã chủ động sản xuất nhiều loại giống lúa thuần, lúa lai chất lượng cao, nên không chỉ giảm được sự phụ thuộc nguồn giống nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, mà còn góp phần đáng kể vào việc bình ổn thị trường và giảm chi phí đầu vào cho bà con nông dân.
Chuẩn bị đủ lượng giống, vật tư phân bón, nhiều địa phương cũng đã tổ chức cho người dân tu sửa hệ thống kênh mương nội đồng, sẵn sàng các điều kiện để bước vào sản xuất.
Kiểm soát chất lượng giống, tuân thủ lịch thời vụ
Đồng chí Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khẳng định, đảm bảo chất lượng nguồn giống phục vụ sản xuất, đơn vị đã lập kế hoạch thực hiện kiểm tra nguồn gốc giống, niêm yết giá giống nhằm kịp thời phát hiện, xử lý tình trạng sản xuất, kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp không có trong danh mục lưu hành, kém chất lượng, tăng giá giống làm ảnh hưởng đến sản xuất. Qua kiểm tra tại một số cơ sở kinh doanh vật tư trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, huyện Yên Sơn, Sơn Dương cho thấy các đơn vị kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định, nhập các loại mặt hàng đảm bảo về chất lượng và đa dạng về chủng loại; các cửa hàng đều có biển niêm yết giá đúng với bao bì của từng loại sản phẩm giống.
Người dân xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) làm đất chuẩn bị vụ xuân.
Cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho nông dân biết cách phân biệt vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thật, giả và sử dụng đúng liều lượng để sản xuất đạt hiệu quả cao, không gây ô nhiễm môi trường.
Đồng chí Hoàng Văn Niên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương cho biết, vụ xuân năm nay, huyện có kế hoạch gieo cấy trên 4.700 ha. Qua kiểm tra, rà soát, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh giống đã nhập trên 130 tấn lúa giống, cùng lượng lớn phân bón.
Bà Đỗ Thị Lộc, thôn Hưng Thịnh, xã Trường Sinh (Sơn Dương) cho biết, vụ xuân năm nay, gia đình gieo cấy 3 sào lúa và trồng 3 sào ngô. Hiện nay, gia đình chuẩn bị gieo trồng. Về nguồn giống, phân bón, gia đình mua tại cửa hàng vật tư nông nghiệp của xã nên rất yên tâm về nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm giống.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, vụ Đông Xuân 2023-2024 rét đậm, rét hại có thể xuất hiện muộn và yếu hơn trung bình năm, số ngày rét đậm, rét hại có xu hướng thấp hơn so với trung bình năm. Do đó, người nông dân cần lưu ý việc bố trí thời vụ, cơ cấu giống để đảm bảo lúa trỗ vào thời gian an toàn, tránh ảnh hưởng của đợt rét cuối (rét nàng Bân).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở tập trung chỉ đạo, tổ chức sản xuất, hạn chế gieo cấy trà xuân chính vụ, chủ yếu gieo cấy vào trà xuân muộn, tập trung cấy sau tiết lập xuân (4-2). Trong thời điểm làm mạ, 100% diện tích mạ phải được phủ nilon đúng kỹ thuật, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra.
Gửi phản hồi
In bài viết