Đáp ứng nhu cầu mới
Sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, một trong những vấn đề lớn mà ngành Du lịch phải đối diện là sự hao hụt nguồn nhân lực. Hiệp hội Du lịch Việt Nam từng thống kê, đến giữa năm 2021, nguồn lao động toàn ngành giảm tới 90%.
Ngay khi du lịch phục hồi, các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này nhanh chóng bổ sung nhân sự để kịp thời đáp ứng nhu cầu mới. Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, từ cuối năm 2021 đến nay, công ty đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các vị trí việc làm để bổ sung kỹ năng mới, đáp ứng yêu cầu du lịch “bình thường mới”. “Tới đây, Hà Nội sẽ đón lượng khách lớn là vận động viên, du khách từ các nước trong khu vực Đông Nam Á đến tham dự SEA Games 31. Bên cạnh lực lượng lao động chính, công ty sẽ huy động thêm nguồn lực là sinh viên khoa du lịch của các trường đại học để tham gia đón khách quốc tế”, ông Phùng Quang Thắng cho biết.
Thời điểm này, nhiều đơn vị du lịch, như: VietFoot Travel, Asia Sun Travel, VietSense, Ánh Dương Tour, Unitour… đồng loạt thực hiện chiến dịch “chiêu mộ” trở lại lực lượng lao động cũ và tuyển dụng thêm lao động mới với nhiều chính sách ưu đãi. Theo Giám đốc Công ty Du lịch VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa, đơn vị còn sử dụng thêm các cộng tác viên từ những trung tâm đào tạo chuyên ngành du lịch.
Một buổi tập huấn do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng cho cán bộ làm công tác văn hóa,
du lịch các quận, huyện, thị xã. Ảnh: Lệ Quyên
Ở lĩnh vực lưu trú, những khách sạn 4-5 sao có chính sách riêng để duy trì lao động. Giám đốc Điều hành khách sạn Grand Vista Hà Nội Bùi Tùng thông tin, thời điểm khách sạn tạm đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19, đơn vị cho nhân viên nghỉ luân phiên. Hiện tại, khách sạn đã hoạt động trở lại và là một trong những cơ sở lưu trú được chọn để phục vụ đoàn vận động viên SEA Games 31, nên đã tuyển dụng đầy đủ số lượng nhân sự ở các vị trí. “Chúng tôi tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nhân viên thêm kỹ năng tiếp đón khách quốc tế và kỹ năng phòng, chống dịch theo đúng yêu cầu của Bộ Y tế”, ông Bùi Tùng cho hay.
Còn theo Giám đốc Điều hành Hệ thống khách sạn, nghỉ dưỡng LaSiesta Dương Vân Nguyên, nhiều khách sạn trong khu phố cổ Hà Nội đã trở lại hoạt động sau thời gian dài đóng cửa. Đơn vị đã tuyển dụng đủ lực lượng lao động và tập huấn thêm kỹ năng cho nhân viên trong việc phục vụ, bảo đảm an toàn cho khách.
Nâng cao chất lượng lâu dài
Với lượng du khách đang tăng trở lại ở các tuyến nội địa và quốc tế, đa số các đơn vị kinh doanh du lịch đã kịp thời bổ sung nguồn nhân lực tại chỗ. Tuy nhiên, trước yêu cầu “du lịch bình thường mới”, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển du lịch, thì chất lượng nguồn nhân lực vẫn là bài toán của nhiều đơn vị.
Theo Chủ tịch Câu lạc bộ Buồng (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) Nguyễn Quang, việc nghỉ gián đoạn trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 khiến cho nhiều đơn vị “chệch choạc” khi vận hành trở lại. Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), ngành Du lịch chuẩn bị đón lượng khách quốc tế lớn dịp SEA Games 31. Đây sẽ là cơ hội, song cũng là thách thức trong khâu tổ chức. Nhân lực lao động lúc này không chỉ cần sự chuyên nghiệp mà còn cần được trang bị thêm nhiều kỹ năng giao tiếp quốc tế.
Để nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng, phục vụ cho việc phục hồi, phát triển du lịch lâu dài và trước mắt là đón khách quốc tế đến từ các nước trong khu vực, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long cho rằng, các địa phương đăng cai tổ chức sự kiện, đơn vị kinh doanh du lịch cần bổ sung kiến thức cho lực lượng lao động về SEA Games 31, kỹ năng xây dựng sản phẩm mới phù hợp với khách quốc tế, trong đó đặc biệt lưu ý đến ứng xử văn minh, phù hợp với văn hóa của các quốc gia.
Về vấn đề này, Chủ tịch Câu lạc bộ Buồng (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) Nguyễn Quang gợi ý, các đơn vị được chọn để phục vụ SEA Games 31, trong đó có các cơ sở lưu trú cần tập huấn cho nhân sự kiến thức phòng, chống dịch Covid-19, chất lượng dịch vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm và nhất là khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ. Đây cũng là những kiến thức, kỹ năng cơ bản để giúp du lịch phục hồi và phát triển lâu dài.
Trước những đòi hỏi mới của ngành Du lịch, vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức lớp tập huấn về tuyên truyền, đón khách phục vụ SEA Games 31 cho hơn 160 cán bộ, nhân viên làm công tác này của 30 quận, huyện, thị xã. Tiểu ban Hậu cần và Dịch vụ công cộng SEA Games 31 cũng tổ chức nhiều buổi tập huấn, kiểm tra sự chuẩn bị của các cơ sở lưu trú được chọn để đón các đoàn vận động viên.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở sẽ đồng hành với các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật ứng dụng công nghệ trong quản lý, xây dựng sản phẩm, trao đổi kiến thức với các tỉnh, thành phố để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Thủ đô trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết