Phối cảnh đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ.
Ông Trần Viết Cương, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết, từ năm 2016, tỉnh đã đề nghị với các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội cho đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Tại nhiều buổi lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Phú Thọ làm việc với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quộc hội, Nhà nước đều đồng ý việc triển khai xây dựng Dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai là hết sức cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, chưa có khả năng cân đối vốn để đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công. Tỉnh Tuyên Quang chủ động kêu gọi nhà đầu tư cùng với nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và cho đầu tư bằng hình thức hợp đồng BOT.
Sau hơn 3 năm trình duyệt và đề xuất hỗ trợ nguồn vốn, ngày 6-12-2019, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1768/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BOT và hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án 500 tỷ đồng, tổng mức đầu tư dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT là 3.271 tỷ đồng.
Tỉnh Tuyên Quang đã khẩn trương hoàn chỉnh đầy đủ các thủ tục điều kiện để lựa chọn nhà đầu tư từ tháng 10 năm 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nên không có nhà đầu tư tham gia đấu thầu, nhà đầu tư đề xuất dự án cũng có văn bản xin không tham gia dự án. Trước khó khăn đó, tỉnh Tuyên Quang đã huy động mọi nguồn lực ngân sách tỉnh và tiếp tục lập hồ sơ và đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ thêm nguồn vốn, cho chuyển sang hình thức đầu tư công.
Được sự quan tâm, ủng hộ của các bộ, ban, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ, ngày 31-12-2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2275/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư sang hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư theo hình thức đầu tư công là 3.112 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương kết hợp với ngân sách tỉnh và phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn.
Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh kiểm tra địa điểm động thổ Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. Ảnh: Thành Công
Theo đó, giai đoạn 1, thực hiện từ năm 2021, hoàn thành năm 2023, bao gồm giải phóng mặt bằng và thi công hoàn chỉnh nền đường rộng 17m; mặt đường rộng 11m, gồm 2 làn xe cơ giới, mỗi làn xe rộng 3,5m và 2 làn xe hỗn hợp mỗi làn xe rộng 2m, lề đường 1m, phần đất giữa 2 làn xe cơ giới rộng 5m để mở rộng mặt đường trong giai đoạn 2. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2.653 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 2.100 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Tuyên Quang 553 tỷ đồng. Giai đoạn 2 thực hiện sau năm 2025 đầu tư hoàn chỉnh mặt đường rộng 14m, gồm 4 làn xe cơ giới, mỗi làn rộng 3m; dải an toàn 1m; dải phân cách giữa 0,5m; lề trồng cỏ 1,5m. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2 là 459,9 tỷ đồng, được cân đối từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, với quyết tâm cao và quyết liệt, các sở, ban, ngành tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tỉnh Phú hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư với thời gian sớm nhất để chuyển sang bước thực hiện đầu tư. Cụ thể, ngày 25-1-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang có Quyết định số 77/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh Dự án với hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư là gần 3.113 tỷ đồng, trong đó thực hiện đầu tư trong giai đoạn 1 là 2.653 tỷ đồng, giai đoạn 2 là gần 460 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng, thành phố Tuyên Quang và huyện Yên Sơn và các địa phương của tỉnh Phú Thọ tiến hành khảo sát, thiết kế, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng.
Nhận thức rõ về ý nghĩa thiết thực của công trình nên người dân các xã, phường của thành phố Tuyên Quang và huyện Yên Sơn đã đồng thuận cao, bàn giao mặt bằng để triển khai dự án. Tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt xong phương án bồi thường và đã chi trả tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng được trên 98%. Tại địa phận tỉnh Phú Thọ có tổng số hộ, tổ chức phải thu hồi 1.909 hộ, đơn vị đã kiểm kê xong, phê duyệt phương án bồi thường và chi trả tiền bồi thường đối với các hộ dân có đất nông nghiệp, đang hoàn thiện phương án bồi thường đối với đất phi nông nghiệp, theo kế hoạch sẽ hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 4-2021.
Dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ có tổng chiều dài 40km, trong đó đi qua tỉnh ta 11 km thuộc địa bàn xã Thái Long, Lưỡng Vượng, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) và xã Nhữ Khê, Đội Bình (Yên Sơn). Đến thời điểm này, tất cả các hộ thuộc diện phải phải giải phóng mặt bằng đã nhận tiền đền bù để xây dựng công trình. Các gia đình đều bày tỏ niềm vui, phấn khởi khi tỉnh triển khai xây dựng đường cao tốc.
Gia đình ông Phan Văn Đức, tổ 7, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) đã tự nguyện đi đầu trong việc nhận tiền đền bù, bàn giao hơn 1 sào đất cho Nhà nước để thực hiện dự án. Ông Đức bảo, có đường cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách từ Tuyên Quang về Thủ đô Hà Nội, mở ra cơ hội lớn cho giao thương phát triển, do vậy gia đình ông cũng như các gia đình trong phường và các địa phương lân cận tự nguyện bàn giao mặt bằng để công trình sớm được triển khai.
Ngay từ đầu xuân mới niềm vui nhân đôi với người dân Tuyên Quang khi thành phố Tuyên Quang được công nhận và đô thị loại II và tỉnh tổ chức động thổ xây dựng Dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào ngày 23-2 này. Đây thực sự là “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, xây đắp quê hương cách mạng ngày càng giàu đẹp.
Gửi phản hồi
In bài viết