Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lăng Can cho biết: Sau khi có ý kiến chỉ đạo của cấp trên về việc lập kế hoạch đưa xã Lăng Can lên thị trấn, địa phương xác định đây là nhiệm vụ nhưng cũng là niềm vui, đáp ứng sự mong đợi bấy lâu của nhân dân. Hiện nay, chính quyền xã đã tổ chức nhiều buổi họp lấy ý kiến nhân dân về việc thành lập thị trấn, tỷ lệ đồng thuận tại 11 thôn của xã đều đạt trên 97%. Chính quyền xã đang trực tiếp đôn đốc cán bộ chuyên môn xây dựng, khảo sát cơ sở vật chất, đáp ứng đủ, chuẩn tiêu chí để sớm đưa Lăng Can lên thị trấn.
Toàn cảnh thị trấn Lăng Can, Lâm Bình.
Nằm ở vị trí trung tâm, xã Lăng Can có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội. Trên địa bàn xã có tuyến đường tỉnh ĐT.185 và ĐT.188 đi qua, thuận lợi cho việc phát triển vận tải nội tỉnh, liên tỉnh. Lăng Can cũng là xã đã về đích nông thôn mới nên cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ du lịch. Theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 28 triệu đồng/người/năm, tổng thu ngân sách của xã đạt 861 triệu đồng. Lăng Can có nhiều điều kiện để trở thành thị trấn có mức phát triển tốt nhất trong địa bàn huyện Lâm Bình. Nhân dân nơi đây có truyền thống cần cù, chịu khó. Từ năm 2016, nơi đây đã có nhiều mô hình phát triển du lịch cộng đồng homestay được xây dựng quy mô, thu hút đông đảo khách du lịch.
Ông Hòa Đức Chức, thôn Bản Khiển, xã Lăng Can chia sẻ: “Gắn bó với mảnh đất này quá nửa đời người, khi chính quyền xã trưng cầu ý kiến của nhân dân về việc đưa xã lên thị trấn, tôi hoàn toàn ủng hộ. Đó là mơ ước chung của người dân trong thôn. Đây sẽ là cơ hội để nhiều doanh nghiệp đầu tư và giải quyết việc làm tại địa phương cho người dân”.
Là người đang trực tiếp trao truyền các điệu hát Then cho lớp trẻ, chị Lý Thị Ngoan, thôn Nặm Chá cho biết: “Sau khi được phổ biến kế hoạch đưa Lăng Can trở thành thị trấn, mình rất vui và tự hào. Đây là cơ hội để những người làm du lịch như gia đình tôi được quảng bá du lịch rộng rãi, nhất là những nét đẹp văn hóa của người Tày”.
Sau khi thành lập, thị trấn Lăng Can sẽ được giữ nguyên diện tích đất tự nhiên và dân số, chia thành 11 tổ dân phố theo các tên gọi được lấy ý kiến công khai của nhân dân. Ông Nguyễn Văn Na, Bí thư Chi bộ thôn Nặm Chá là người trực tiếp đến tận nhà các hộ dân phát phiếu khảo sát về thành lập thị trấn Lăng Can, ông nhận thấy hộ dân nào trong thôn cũng đều đồng tình, ủng hộ. Trở thành công dân của thị trấn - trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục và đào tạo của huyện là niềm vinh dự rất lớn của nhân dân, đồng thời sẽ thu hút đầu tư và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Theo kế hoạch trong thời gian tới, UBND huyện Lâm Bình sẽ tiếp tục tập trung thêm các nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội gồm điện, đường, trường, trạm và các công trình phúc lợi xã hội để sớm xây dựng thị trấn Lăng Can xứng tầm với vị thế trung tâm của huyện. Hiện nay, chính quyền đã đang khẩn trương hoàn tất kế hoạch về chọn tên đường, tên phố, đồng thời cho cán bộ chuyên môn trực tiếp phổ biến với nhân dân về việc chỉnh trang nhà cửa, tạo ý thức giữ gìn môi trường xanh, sạch đẹp, xây dựng Lăng Can giàu đẹp, văn minh trong tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết