Mới hoạt động trở lại vào tháng 11-2020, nhà máy chế biến quặng Ferromangan của Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công tại cụm công nghiệp An Thịnh đã phải hoạt động hết công suất để hoàn thành các đơn hàng. Ông Trần Nam Hải, Giám đốc Nhà máy cho biết, từ khi nhà máy hoạt động trở lại, hơn 80 công nhân được chia làm 3 ca làm việc liên tục, xuyên Tết để đảm bảo đơn hàng cho phía đối tác. Trong 2 tháng đầu năm 2021, công suất chế biến của nhà máy đạt gần 2.000 tấn. Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu hơn 300 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho trên 80 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng; nộp ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Để hoàn thành mục tiêu này, công ty đã chú trọng triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, trong đó quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư xây dựng lò luyện quặng theo công nghệ hiện đại công suất 6.300 kv năng suất đạt 38 - 40 tấn silicon mangan mỗi ngày. Trong năm 2021, công ty phấn đấu sản xuất 12.000 tấn silicon mangan đạt tiêu chuẩn phục vụ cho ngành luyện thép trong nước và xuất khẩu.
Công nhân phân loại, đóng gói sản phẩn đũa gỗ tách của Công ty cổ phần
Thương mại - Sản xuất xuất khẩu Phúc Lâm.
Trong lĩnh vực chế biến lâm sản, các Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang, Công ty TNHH Thuận Gia Thành, Công ty cổ phần Thương mại - Sản xuất xuất khẩu Phúc Lâm... cũng đang nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh. Theo bà Sùy Thị Mới, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Gia Thành, đầu năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty chỉ xuất khẩu sang Hàn Quốc được 1 nửa số hàng. Để duy trì sản xuất liên tục, công ty đã tìm kiếm thêm thị trường trong nước và các nước châu Á. Nhờ đó, đầu tháng 2, công ty đã xuất khẩu được hơn 650 m3 sản phẩm gỗ ván ép sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và trong nước.
Tại Công ty cổ phần Thương mại - Sản xuất xuất khẩu Phúc Lâm, không khí làm việc của công nhân dường như khẩn trương hơn. Ông Lê Hoài, Giám đốc Công ty cho biết, khai xuân từ ngày mùng 6 Tết, công ty đã huy động được 90% lao động làm việc. Những năm trước, sau kỳ nghỉ Tết nhiều công nhân chưa đến công ty làm việc ngay mà còn giữ thói quen vui xuân, hội hè cho đến hết rằm tháng Giêng mới đi làm nên công ty thường xuyên bị thiếu hụt lao động trong những ngày đầu xuân mới. Khắc phục tình trạng này, năm nay công ty đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, thu hút người lao động đến làm việc. Cùng với chăm lo tốt quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động, công ty cũng đã bố trí thu mua dự trữ đủ các loại nguyên liệu cho sản xuất trong những ngày đầu xuân mới, bởi ngay từ đầu năm công ty đã liên tục nhận được nhiều đơn đặt hàng từ phía đối tác Nhật Bản với 2 loại mặt hàng chính là phong bì và đũa gỗ tách. Tính đến nay, công ty đã ký kết được các đơn hàng với đối tác đến hết tháng 6-2021.
Đồng chí Vũ Đình Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa cho biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thế nhưng sản xuất công nghiệp của huyện có nhiều tín hiệu lạc quan. Trong 2 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt 196 tỷ đồng, bằng 15,6% kế hoạch năm. Để tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy, sản xuất kinh doanh, UBND huyện đã ban hành kế hoạch về phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp. UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng rà soát cơ chế, chính sách mới để bổ sung, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh để kịp thời đề xuất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp góp phần hoàn thành vượt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 đã đề ra.
Gửi phản hồi
In bài viết