Xung kích mở đường
Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Vương Kim Việt cho biết: Hội Cựu TNXP tỉnh Tuyên Quang hiện có 1.504 người, sinh hoạt tại 91 hội, chi hội, liên chi hội xã, phường, thị trấn thuộc 7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 5 cựu TNXP được hưởng chế độ thương binh, 1 trường hợp được công nhận liệt sĩ; 18 trường hợp đang nhận chế độ nạn nhân nhiễm chất độc dacam/dioxin; 2 trường hợp con, cháu cựu TNXP nhận chế độ nhiễm chất độc dacam/dioxin.
Tuổi trẻ Thành Đoàn Tuyên Quang thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, cựu TNXP trên địa bàn thành phố.
Thời gian qua, Hội cựu TNXP tỉnh đã có những việc làm thiết thực, cụ thể để san sẻ, giúp đỡ hội viên nghèo, ốm đau, có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống như: xây dựng “Quỹ nghĩa tình đồng đội”, thực hiện mô hình “Nuôi lợn nhựa vì nghĩa tình đồng đội”, “Hũ gạo tình thương vì nghĩa tình đồng đội”. Hiện hội có 52 mô hình hội viên làm kinh tế giỏi; 50 cán bộ, hội viên đang tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể nơi cư trú.
Ông Trần Ngọc Đẳng, Chủ tịch Hội cựu TNXP phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) cho biết, ông tham gia TNXP từ năm 1966 đến năm 1969, biên chế ở đơn vị N13 B38 thuộc Ty Giao thông quản lý. Trong chiến tranh, mục tiêu đánh phá của đế quốc Mỹ luôn là các bến phà, cầu cảng. Tham gia TNXP, ông có nhiệm vụ làm đường tránh bến phà Bợ, rồi sau đó làm đường vào mỏ than Linh Đức, làm đường lên Chiêm Hóa, đường khu ATK…
Ông bảo, ngày đó việc cuốc ta luy, đục hố để nổ mìn đều làm thuần túy bằng các dụng cụ lao động thủ công như xà beng, cuốc xẻng. Ăn uống kham khổ, độn sắn, độn ngô nhưng nhiệt huyết, khí thế của tuổi trẻ thì chưa khó khăn nào khiến ông và đồng đội chùn bước. Có những đêm mưa gió, để bảo vệ mấy chục tấn xi măng khỏi ướt, ông và đồng đội sẵn sàng để người ướt, còn áo mưa thì dùng bọc xi măng để bốc vào lán, giữ cho xi măng khô. Tinh thần của thanh niên xung phong là thế, luôn đặt cái chung, lợi ích chung của đất nước lên trên hết, trước hết.
Nhớ về những ngày làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào, bà Tô Thị Thềm, thôn Phúc Lộc A, xã An Khang (TP Tuyên Quang) rưng rưng xúc động. Bà Thềm bảo, năm 1973 bà mới 17 tuổi, chưa xa nhà bao giờ, đơn vị bà sang Lào đóng quân ở địa bàn Sầm Nưa, Na Mèo, Xiêng Khoảng. Tiết trời bên đó rất rét, xung quanh chỉ toàn núi đá, công việc phá đá mở đường với phụ nữ rất vất vả. Tết đến, nhớ nhà, bà rấm rứt khóc, nhưng không dám để ai biết mình khóc, vì đã viết đơn tình nguyện đi TNXP, nhưng chính môi trường gian khổ đó đã tôi luyện ý chí, giúp bà và đồng đội trưởng thành. Rét thì lên đồi, chủ động cắt cỏ tranh về dựng lán giữ ấm. Đặc biệt sau này, khi cuộc sống riêng gặp nhiều khó khăn, con nhỏ, chồng đau yếu, nhưng chính tinh thần tự lực, tự cường của TNXP “không có việc gì khó…” đã vực bà dậy. Đến nay, kinh tế gia đình bà đã khấm khá và cứ có dịp, bà lại đi dọc suốt chiều dài Tổ quốc, hỗ trợ những phần quà nhỏ bé giúp đồng đội xưa còn khó khăn, vất vả, động viên đồng đội vươn lên trong cuộc sống.
Dựng xây cuộc sống mới
Năm 1972 - 1979, theo tiếng gọi của Đảng, ông Chu Hán Thành, thôn Tú Tạc, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) hăng hái xung phong đi xây dựng kinh tế, làm công nhân nông trường 26-3 ở xã Hào Phú. Những năm đầu khó khăn, vất vả đủ bề, nhưng bằng bàn tay lao động, óc sáng tạo, ông đã cùng công nhân nông trường vượt mọi khó khăn, khai hóa đất hoang, trồng cây công nghiệp, tạo dựng cơ sở ban đầu phục vụ sản xuất. Nông trường 26-3 ngày ấy, tiền thân là Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương sau này.
Tiếp đó, ông có 13 năm làm lái xe trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Trở về với đời thường, làm công chức tư pháp, hộ tịch xã Tú Thịnh, vẫn vẹn nguyên trong ông tinh thần, nhiệt huyết của cựu TNXP. Ông Thành tập trung phát triển kinh tế gia đình, bảo ban con cháu trồng được gần 4 ha rừng, 1 ha cây sắn dây, trồng lúa… Gia đình ông có 4 thế hệ cùng chung sống hòa thuận, hạnh phúc, con cháu thảo hiền. Năm 2023, gia đình ông Thành đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, giai đoạn 2017 - 2022.
Huyện đoàn Chiêm Hóa tổ chức thăm, tặng quà cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn tại xã Xuân Quang (Chiêm Hóa).
Cùng chung ký ức về một thời TNXP sôi nổi, ông Nguyễn Quang Vịnh, Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Chiêm Hóa chia sẻ, trong những ngày ông tham gia mở tuyến đường Chiêm Hóa - Na Hang, tài sản của TNXP thời ấy chỉ có chăn, ba lô, cuốc xẻng, nhưng ông và đồng đội đã sống trọn vẹn, hết mình trong từng công việc nhỏ nhất. Tất cả không ai nề hà việc gì, từ gánh sỏi cát, đập đá mở đường phục vụ quốc phòng và dân sinh.
Trở về cuộc sống đời thường, học và làm theo Bác, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, ông Vịnh là một trong những tấm gương tiêu biểu của TNXP vượt khó vươn lên làm giàu. Ông Vịnh đã mở 1 xưởng mộc chế tác gỗ lũa, làm những mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, ông luôn ưu tiên dạy nghề cho con em gia đình chính sách, hiện ông đã dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho 4 - 5 lao động, có thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Trở về cuộc sống đời thường, cựu TNXP tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đẩy mạnh các hoạt động vì nghĩa tình đồng đội, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của hội viên, để tổ chức Hội thực sự trở thành “mái nhà chung” của các cựu TNXP. Cùng với đó, hội viên đã tích cực tham gia giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ, tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Họ mãi là niềm tự hào, là ngọn lửa truyền thống sáng mãi, cổ vũ thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi theo.
Gửi phản hồi
In bài viết