Bấp bênh
Gần 30 năm gắn bó với nghề nuôi cá chiên đặc sản, ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Yên Nguyên (Chiêm Hóa) không giấu được niềm vui khi sản phẩm cá chiên của các thành viên hợp tác xã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Ông bảo, nghề nuôi cá chiên đặc sản đã gắn bó với người dân vùng ven sông Lô gần 30 năm. Thời điểm hưng thịnh, bà con phát triển lên đến 60 lồng, mỗi năm cung cấp cho thị trường vài tấn cá thịt và trở thành nguồn thu nhập chính cho bà con. Tuy nhiên, niềm vui với người chăn nuôi cá lồng ở Yên Nguyên không được dài, khi mực nước sông Lô vài năm trở lại đây không ổn định do nhiều thủy điện xây dựng khu vực thượng lưu, hạ lưu đóng mở nước liên tục, khiến các lồng cá bị thiệt hại nặng nề.
Năm 2023, đến thời hạn đánh giá lại sản phẩm, Hợp tác xã đã có văn bản xin UBND xã không đánh giá, do không còn sản phẩm để duy trì.
Đồng chí Cầm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Yên Nguyên chia sẻ, sau khi HTX Thủy sản Yên Nguyên xin dừng đánh giá lại sản phẩm OCOP cá chiên đặc sản, xã Yên Nguyên lại... đau đầu tìm kiếm sản phẩm để thực hiện chương trình. Ông Dũng lý giải, trên thực tế, mặc dù Yên Nguyên là một trong những địa phương đi đầu của huyện Chiêm Hóa về sản xuất nông nghiệp, nhưng để tìm ra một sản phẩm chủ lực, đặc sản, mang đậm tính địa phương như cá chiên đặc sản thì tương đối khó khăn.
Sản phẩm Dầu sachi Quỳnh Nhi của Hợp tác xã Sản xuất - Dịch vụ - Thương mại Quỳnh Nhi, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) hiện cũng đang trong nguy cơ... tắt sáng.
Một chuyến xúc tiến, phát triển thị trường cho các chủ thể OCOP tại Thanh Hóa.
Được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2020, với nhiều công dụng như giàu dưỡng chất Omega 3, nhiều Vitamin A và E, giúp phát triển và nâng cao trí tuệ, giảm Cholesterol, điều hòa huyết áp, cân bằng tế bào thần kinh, giảm nguy cơ đột tử do các bệnh về tim mạch, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể và giúp bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do... Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Thị Huyền từng kỳ vọng, đây sẽ là sản phẩm chính của đơn vị và nỗ lực xây dựng, vun đắp để nâng hạng sản phẩm trong tương lai.
Thế nhưng, chỉ được ít năm, hiện Hợp tác xã đang phải chuyển hướng sang các sản phẩm khác như đinh lăng, gấc... Có nhiều nguyên nhân khiến Hợp tác xã phải rẽ lối. Việc sản xuất dầu sachi hiện vẫn thực hiện chủ yếu theo phương pháp thủ công, giá bán sản phẩm cao (khoảng 700 nghìn đồng/lít). Mục tiêu ban đầu của hợp tác xã là hướng đến xuất khẩu sản phẩm, tuy nhiên việc tìm kiếm thị trường không thuận lợi do dịch bệnh Covid-19.
Ở trong nước, người tiêu dùng cũng chưa biết nhiều đến công dụng và sản phẩm, trong khi giá bán không hề rẻ khiến hàng làm ra không bán được. Thêm vào đó, nguồn nguyên liệu cung cấp cho sản xuất không đảm bảo. Chị Huyền cho biết, trước đây, Hợp tác xã liên kết với Hợp tác xã Sản xuất sachi hữu cơ Tuyên Quang để thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, việc mở rộng và phát triển vùng nguyên liệu không đạt như kỳ vọng, nguồn nguyên liệu cho sản xuất không đáp ứng, nên Hợp tác xã đã tạm dừng không sản xuất sản phẩm này từ hơn 1 năm nay.
Hiện, Ban Quản trị Hợp tác xã đang xin ý kiến các thành viên về việc có hay không đánh giá lại sản phẩm sau 3 năm, để từ đó có những định hướng về lâu dài.
Không chỉ cá chiên Yên Nguyên hay Dầu sachi Quỳnh Nhi, trên thực tế, nhiều sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận gần như vắng bóng trên thị trường. Mới đây, qua đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa, nhiều sản phẩm không có khả năng phục hồi như cá Yên Nguyên, cá lăng Yên Lập, chè Pà Thẻn Linh Phú, rượu chuối Kim Bình.
Không đăng ký cho có
Một trong những nguyên nhân khiến các sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận nhiều năm, vẫn ì ạch sau lũy tre làng, đó là vẫn còn tâm lý... đăng ký cho có của nhiều chủ thể.
Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Vinh Hoa, xã Thổ Bình (Lâm Bình) hiện có 2 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao là Trà giảo cổ lam và Rau bò khai. Giám đốc Hợp tác xã Ma Thị Hoa thừa nhận, hiện chỉ còn 1 sản phẩm "trụ hạng" là Trà giảo cổ lam. Rau bò khai, do tính mùa vụ và diện tích ngày càng suy giảm, từ lâu đã không còn có mặt trên thị trường.
Thời điểm mới bắt tay vào thực hiện chuỗi sản xuất theo chuỗi liên kết, bà Hoa cũng kỳ vọng 2 loại cây trồng này bén rễ và được người nông dân duy trì. Tuy nhiên, diện tích rau bò khai, thời điểm mới bắt đầu mở rộng được hơn 8 ha, giờ chỉ còn duy trì khoảng 0,2 ha. Mùa thu hoạch, cả tuần có khi chỉ thu được vài chục kg rau. Bà Hoa cho biết, tới đây chứng nhận lại sản phẩm, Hợp tác xã cũng sẽ chỉ đưa sản phẩm Trà giảo cổ lam chứng nhận lại, còn sản phẩm Rau bò khai thì thôi, vì thực tế cả vùng nguyên liệu, cả thị trường... đều không ổn!
Dưa lưới - sản phẩm OCOP của huyện Sơn Dương được quảng bá tại Hội chợ Thương mại - Du lịch tỉnh năm 2023.
Hay như câu chuyện chứng nhận sản phẩm Cốm của một hợp tác xã vùng cao của huyện Na Hang. Giám đốc Hợp tác xã này đã không giấu giếm chia sẻ rằng, sở dĩ có sản phẩm OCOP này, là vì... xã tìm mãi không ra sản phẩm nào để làm OCOP. Việc đăng ký cho có, lại không thuận lợi về thị trường, không thuận lợi giao thông khiến chủ sở hữu sản phẩm đang loay hoay khi câu chuyện mua, bán sản phẩm như nào khi mùa cốm đang đến rất gần.
Ông Tạ Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Sơn cho biết, trong năm nay, huyện đặt mục tiêu "phủ sóng" chương trình đến 7 xã còn lại là Chân Sơn, Lang Quán, Trung Minh, Hùng Lợi, Công Đa, Phú Thịnh, Đạo Viện. Với mục tiêu không để các xã đăng ký cho có, cách làm của Yên Sơn là cử cán bộ huyện cùng nỗ lực, rà soát và lựa chọn những sản phẩm thực sự có thế mạnh, có sức cạnh tranh, trong đó, nhiều sản phẩm tuy chưa đăng ký là sản phẩm OCOP nhưng đã được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng như măng khô, rượu men lá...
Cần nỗ lực từ chính chủ thể
Toàn tỉnh hiện có gần 200 sản phẩm đã được chứng nhận OCOP. Trong số này, chỉ có hơn 40 sản phẩm được chứng nhận 4 sao, chưa có sản phẩm 5 sao. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khả năng mở rộng quy mô, phát triển một số sản phẩm còn thấp. Toàn tỉnh vẫn còn 44 xã, phường, thị trấn chưa có sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, trong khi đó, mới chỉ có 1 sản phẩm có tiềm năng 5 sao. Một số sản phẩm bao bì chưa được cải tiến, chất liệu, hình dáng, kiểu dáng bao bì không có tính đặc trưng riêng để nhận diện sản phẩm dẫn đến việc phát triển xây dựng thương hiệu sản phẩm còn hạn chế.
Thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn, hết năm nay, sẽ có 79 sản phẩm sau thời gian 3 năm phải thực hiện chứng nhận lại. Trong số này, đã có rất nhiều sản phẩm vắng bóng trên thị trường. Như ông Tạ Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Sơn thừa nhận, sẽ có một vài sản phẩm không đáp ứng được các tiêu chí đánh giá mới. Và chuyện rút "giấy thông hành" là điều khó tránh khỏi.
Hiện nay, tỉnh đang nỗ lực thúc đẩy Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, mục tiêu là ở tất cả các xã, đều lựa chọn được sản phẩm hàng hóa tham gia vào chương trình.
Rất nhiều chính sách hỗ trợ từ tỉnh đã được ban hành để kịp thời nâng cánh cho Chương trình OCOP, trong đó có Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025.
Theo bà Ngô Tuyết Nhung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, giai đoạn này, nhiều chính sách khác cũng được triển khai đồng loạt như Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh quy định về mức hỗ trợ thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Để Chương trình OCOP ngày càng hiệu quả, bền vững, các địa phương cần linh hoạt, chủ động lồng ghép nguồn vốn sản xuất từ các chương trình khác để "thổi hồn" vào các sản phẩm OCOP đã được công nhận, từ đó đưa sản xuất đi vào chiều sâu.
Chính sách hỗ trợ, phát triển thị trường cũng không bỏ quên chủ thể OCOP. Riêng trong năm nay, Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường đã hướng dẫn các chủ thể OCOP như sản phẩm Trà cà gai leo Hợp Hòa (Sơn Dương), Trà đậu đen xanh lòng túi lọc (Chiêm Hóa) cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm; hỗ trợ Tổ hợp tác Đức Uy (Trung Sơn, Yên Sơn), Hợp tác xã Chè
Luận Kỳ Làng Bát (Tân Thành, Hàm Yên), Hợp tác xã Chế biến măng khô Cường Đạt (Tân Long, Yên Sơn) ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến sản phẩm... Đồng thời, tổ chức các chuyến đi mở rộng thị trường tại nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.
Đồng chí Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường cho rằng, thực chất, để sản phẩm OCOP thực sự tỏa sáng, không có chính sách hỗ trợ nào thiết thực hơn bằng chính sự nỗ lực của chủ thể sở hữu. Chỉ khi chủ thể đau đáu với "đứa con tinh thần" của chính mình, thì mọi chính sách "trợ lực" mới thực sự là đòn bẩy để đưa sản phẩm lên tầm cao mới.
Ông Lộc Kim Liễn
Phó Giám đốc Sở Công Thương
Chiến lược phát triển thị trường để sản phẩm có chỗ đứng
Nhằm đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường hiện nay, trước hết các cá nhân, doanh nghiệp, HTX xây dựng sản phẩm OCOP phải có chiến lược phát triển thị trường để sản phẩm có chỗ đứng. Các đơn vị cũng cần phải đầu tư chi phí để tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của thị trường và chú trọng vào các hoạt động khuyến mại.
Cùng với đó, cần không ngừng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, để mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP. Tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia các hội chợ thương mại, Hội chợ OCOP trong và ngoài tỉnh để quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP; xây dựng hệ thống hỗ trợ xúc tiến và quảng bá các sản phẩm OCOP qua việc xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, liên kết với các hoạt động tour, tuyến du lịch, lễ hội trong tỉnh.
Ông Tạ Văn Tình
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Yên Sơn
Tổ chức đánh giá sản phẩm nghiêm túc, chặt chẽ
Huyện Yên Sơn có 41 sản phẩm OCOP, trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao. Năm 2023, huyện phấn đấu có thêm 15 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm được chứng nhận OCOP của huyện tập trung vào các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản đặc sản đang phát triển theo chuỗi từ vùng nguyên liệu đến khâu thu hoạch, cơ sở chế biến, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Từ nay đến cuối năm, một số sản phẩm OCOP của huyện đến thời gian đánh giá lại và đánh giá thêm 15 sản phẩm mới. Phòng sẽ tham mưu với UBND huyện, các đơn vị tham gia đánh giá các tiêu chí về sản phẩm OCOP đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, cương quyết loại trừ các sản phẩm không đảm bảo các tiêu chí, đồng thời chú trọng hơn vào sản phẩm chất lượng, có hướng phát triển rộng, lâu dài để dán nhãn OCOP, tạo điều kiện để phát triển sản xuất theo chuỗi, hướng đến xuất khẩu…
Bà Ngô Tuyết Nhung
Phó Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn
Chủ thể phải tâm huyết, chủ động nâng tầm sản phẩm
Do một số nguyên nhân khác nhau, một số sản phẩm OCOP sau khi được công nhận chưa được chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ. Tỷ lệ sản phẩm OCOP hạng 4 sao còn thấp. Để nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn hóa, nâng hạng các sản phẩm OCOP, Chi cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của Chương trình, hỗ trợ chủ thể tiếp cận các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về nông nghiệp, nông thôn hỗ trợ tiêu chuẩn hóa các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và nâng hạng sản phẩm OCOP; tiếp tục hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP đẩy mạnh hoạt động sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử… Bên cạnh sự hỗ trợ từ Nhà nước, để phát triển bền vững và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, các chủ thể OCOP phải thật sự tâm huyết, nỗ lực khắc phục những hạn chế trong tổ chức, bộ máy hoạt động; đồng thời chú trọng phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm… Chỉ có sự chủ động, tâm huyết với "đứa con đẻ” của mình thì những sản phẩm đặc sản của địa phương mới được nâng cao giá trị, khẳng định được thương hiệu phát triển bền vững trên thị trường.
Ông Nguyễn Đình Tâm
Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương
Chưa bằng lòng
Hiện nay, hợp tác xã (HTX) chúng tôi có 2 sản phẩm đạt Ocop 3 sao gồm có thịt lợn đen sấy khô, lạp xường lợn đen. Thời gian qua HTX luôn chú trọng đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng cho các sản phẩm của mình. Không bằng lòng với những gì đã đạt được, các thành viên trong hợp tác xã tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trong chế biến để cho sản phẩm tốt nhất. Hợp tác xã cũng đầu tư máy móc, chuyển đổi công nghệ trong sơ chế, đồng thời thay đổi mẫu mã bao bì, đa dạng kích cỡ đáp ứng tối ưu nhu cầu của người tiêu dùng. Thời gian tới, HTX sẽ phát triển các sản phẩm khác để trở thành sản phẩm Ocop như rau trái vụ, gà đen, gà thả đồi, thịt lợn đen chua để cung cấp cho người tiêu dùng và khách du lịch khi đến với Tuyên Quang.
Bà Trần Thị Hồng Thắm
Tổ 11, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang)
Mong có thêm nhiều sản phẩm OCOP 4 - 5 sao
Sau khi tìm hiểu thị trường và lợi ích từ các sản phẩm OCOP tôi đã tin tưởng lựa chọn các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống như: dầu lạc Trường Thịnh, gạo an toàn Suối xanh (Sơn Dương), bí thơm Khâu Tinh (Na Hang), cá Lăng nướng (Lâm Bình), thịt trâu khô Hùng Mỹ (Chiêm Hóa), chè Ngọc Thúy Kim Quan (Yên Sơn)… Tuy nhiên, nhiều sản phẩm OCOP chưa được bày bán tại các cửa hàng, siêu thị mà chỉ có tại những gian hàng Hội chợ thương mại được tổ chức hoặc phải trực tiếp liên hệ cơ sở sản xuất để đặt mua. Qua quá trình sử dụng, tôi thấy các sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao còn ít, chủ yếu là các sản phẩm 3 sao. Vì vậy, tôi mong muốn các cơ sở sản xuất sẽ đẩy mạnh khâu phân phối hàng hóa; nâng cao chất lượng, nâng tầm sản phẩm để được nâng hạng lên 4, 5 sao giúp sản phẩm có cơ hội lan tỏa đến nhiều người tiêu dùng hơn nữa.
Gửi phản hồi
In bài viết