Trước đây, hầu hết các điểm lẻ ở các thôn của trường Mầm non Vinh Quang (Chiêm Hóa) có cơ sở vật chất thiếu thốn, vì vậy khó nâng cao chất lượng dạy học. Do vậy, nhà trường đã từng bước dồn, ghép các điểm trường lẻ về điểm trường chính, điểm trường trung tâm. Từ 16 điểm trường sau khi sắp xếp lại nhà trường chỉ còn 3 điểm trường gồm 1 trường chính và 2 điểm trường thôn, nhà trường đã đạt chuẩn quốc gia từ năm 2018. Cô giáo Hoàng Thị Dâu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc sắp xếp các điểm trường hợp lý đã giúp trường nâng cao chất lượng dạy học. Trường đã duy trì được thành quả phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi và duy trì danh hiệu trường chuẩn quốc gia. Hiện nay, tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến trường luôn đạt 100%, tỷ lệ huy động trẻ dưới 3 tuổi đạt hơn 42%, trẻ được nuôi dạy trong môi trường đầy đủ, cơ sở vật chất khang trang. Cô Dâu cũng cho rằng, việc dồn ghép điểm trường đã giúp nhà trường chủ động trong việc sắp xếp đội ngũ giáo viên đứng lớp, cơ sở vật chất được đầu tư đáp ứng được yêu cầu dạy trẻ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sắp xếp điểm trường lẻ về trường chính giúp trường Mầm non Vinh Quang (Chiêm Hóa) đạt chuẩn quốc gia từ năm 2018.
Hiện nay, hệ thống đường giao thông nông thôn được nâng cấp, bê tông hóa trải dài khắp các ngõ, xóm trên địa bàn tỉnh đã giúp việc đi lại của người dân dễ dàng hơn. Đây cũng chính là lý do giúp việc dồn, ghép, sắp xếp các điểm trường diễn ra thuận lợi hơn. Các huyện, thành phố đã rà soát số học sinh, các điểm trường lẻ để từ đó dồn ghép, sắp xếp lại cho hợp lý. Đồng chí Khổng Văn Vinh, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lâm Bình cho biết, từ năm 2017 đến nay, huyện đã giảm được 22 điểm trường, trong đó có 17 điểm trường mầm non và 5 điểm trường tiểu học. Nhờ việc sắp xếp đã giúp tăng số lượng học sinh trên lớp, tiết kiệm được biên chế, tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày và tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường. Hiện nay, toàn huyện có hơn 80% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, tăng hơn 20% so với năm học trước, tỷ lệ huy động trẻ dưới 36 tháng tuổi đi nhà trẻ đạt 33,1% (vượt kế hoạch đề ra). Việc dồn ghép, sắp xếp các điểm trường hợp lý đã giúp các trường thuận lợi hơn khi tổ chức các hoạt động chung, chất lượng cơ sở vật chất đảm bảo, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
Khi thực hiện việc dồn ghép các điểm trường nhỏ, lẻ về điểm trường chính đã có những ý kiến băn khoăn của phụ huynh vì ngại đưa con đi học xa. Do vậy, trong quá trình triển khai thực hiện dồn ghép, sắp xếp trường, lớp học thì việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân là hết sức cần thiết. Anh Hoàng Trung Kiên ở thôn 5, xã Trung Trực (Yên Sơn) cho biết, gia đình anh có 2 con đều học ở điểm trường tiểu học ở thôn thì nay đã chuyển về trường chính. Ngày trước đưa con đi học xa đường xấu vất vả lắm nhưng giờ đường đẹp chuyển các con về điểm trường chính học là hợp lý. Điểm trường chính khang trang, sạch đẹp nên anh rất vui và cho rằng việc dồn, ghép các điểm trường là cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2017 đến nay, thực hiện Đề án sắp xếp lại điểm trường, lớp học, toàn tỉnh đã giảm được 196 điểm trường mầm non, 112 điểm trường tiểu học và 1 điểm trường THCS. Việc sắp xếp lại trường, lớp học đã giúp tập trung cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giáo viên, tạo động lực trong nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Đến nay, toàn tỉnh có 227/474 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 47,59%, vượt mục tiêu đề ra; chất lượng 2 mặt giáo dục ngày càng tăng, tỷ lệ học sinh THPT đỗ tốt nghiệp hàng năm đạt hơn 90%, tỷ lệ học sinh đi thi quốc gia đạt giải chiếm từ 33 đến 59%...
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, tỉnh đang xây dựng kế hoạch sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Theo định hướng của tỉnh, việc sắp xếp sẽ thực hiện dồn ghép các điểm trường mầm non về trường chính hoặc điểm lẻ lân cận khi đảm bảo điều kiện thuận lợi về giao thông và khoảng cách đi lại; khuyến khích đưa 100% học sinh lớp 3, 4, 5 về trường chính để đảm bảo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018.
Việc hoàn thiện và sớm triển khai kế hoạch sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới sẽ là một giải pháp quan trọng, tạo động lực để ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nâng cao chất lượng dạy và học trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết