Theo quyết định, thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, không để xảy ra tiêu cực... Các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án triển khai chậm để bổ sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân và có nhu cầu bổ sung vốn, trong đó ưu tiên các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn...
Yêu cầu trên được đề ra bởi thời gian qua, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt mức thấp trên cả nước và ở hầu hết các bộ, ngành.
Một trong những nguyên nhân được chỉ rõ là do chất lượng và tiến độ trong chuẩn bị đầu tư chưa tốt; đầu tư dự án chưa thật sự cấp thiết, chưa có tầm nhìn trung và dài hạn. Vẫn còn tình trạng một số dự án chỉ mang tính hình thức, khi được quyết định đầu tư, bố trí vốn mới thực sự chuẩn bị đầu tư nên không kịp thực hiện và giải ngân vốn theo kế hoạch…
Trước bối cảnh nền kinh tế nước ta dự báo phải đối mặt với nhiều thách thức, Chính phủ coi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là động lực thúc đẩy tăng trưởng, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành giai đoạn này.
Chính vì vậy, quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 là định hướng quan trọng, giúp các bộ, ngành, địa phương khắc phục triệt để tình trạng giải ngân chậm. Tuân thủ nghiêm các yêu cầu đề ra cũng là đề cao kỷ luật, “siết” lại kỷ cương đầu tư công, tránh để lãng phí, thất thoát nguồn lực phát triển đất nước.
Gửi phản hồi
In bài viết