Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14/12. (Ảnh: DUY LINH)
Chiều 14/12, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phải kiểm điểm lại theo từng tháng
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 hết sức tích cực, nỗ lực tối đa, đáp ứng các yêu cầu cấp thiết và trước mắt.
Bằng chứng là ngoài các kỳ họp thường kỳ, Quốc hội đã tổ chức 4 kỳ họp bất thường, qua đó cho thấy rất nhiều việc cần giải quyết.
Nhấn mạnh việc điều chỉnh chương trình là đương nhiên bởi dự kiến và thực tiễn là khác nhau, song Chủ tịch Quốc hội tán thành ý kiến cho rằng cần đánh giá lại việc điều chỉnh chương trình quá nhiều, thậm chí hằng tháng chứ chưa nói đến năm hay quý.
“Đưa vào chương trình rồi nhưng trong quá trình họp lại vẫn rút ra, đưa ra. Việc này là trách nhiệm của các đầu mối, các ủy ban..., cần rút kinh nghiệm để phối hợp với các cơ quan của Chính phủ.
Sau này phải kiểm điểm lại theo từng tháng, bao nhiêu đầu việc chậm, phải thay đổi do bộ phận nào chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các ủy ban của Quốc hội cần rút kinh nghiệm, các ủy ban của Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ “tuy hai mà một” cần gần gũi, đốc thúc, nhắc nhở nhau trong việc phối hợp.
“Tôi đề nghị, năm 2024 phải siết lại việc này, truy cứu trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có liên quan để xảy ra chậm trễ. Phải cương quyết vấn đề này...”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội thống nhất cần rà soát lại để xem xét nội dung nào chắc chắn đưa vào chương trình, nội dung nào không đưa. Đồng thời, đề nghị cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương và các ủy ban phải bám sát các nội dung.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau phiên họp chưa ban hành nghị quyết vội mà Tổng Thư ký Quốc hội làm việc với các ủy ban để duyệt lại, thận trọng từng đầu việc một, đưa vào kỳ nào để đáp ứng yêu cầu và phải đôn đốc thì mới tăng cường được kỷ luật, kỷ cương.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thể chế, pháp luật không thể làm ẩu, làm bừa nên phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trước hết là các ủy ban của Quốc hội...
Ưu tiên các nội dung liên quan đến Kỳ họp bất thường
Quan tâm đến phiên họp tháng 1/2024, với công tác chuẩn bị như hiện tại, Chủ tịch Quốc hội cho rằng sẽ khó khăn cho công tác chuẩn bị Kỳ họp bất thường. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tinh thần phiên họp tháng 1/2024 là chỉ ưu tiên các nội dung liên quan đến Kỳ họp bất thường, còn các nội dung khác lùi lại sang tháng 2/2024 như Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần ưu tiên tập trung vào các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Nếu các nội dung này không kịp, không bảo đảm thì lùi lại đến Kỳ họp gần nhất.
Phát biểu ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, nội dung bố trí tại các phiên họp đang rất nhiều, đặc biệt sẽ còn có các nội dung phát sinh. Trong khi đó, thời gian lại ngắn, do vậy, thời gian dự kiến cho các phiên họp cần phải tăng lên. Cụ thể, như phiên họp tháng 1 cần phải tăng thời gian và đẩy lên sớm hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu ý kiến. (Ảnh: DUY LINH)
Bên cạnh đó, cần bảo đảm nguyên tắc các dự án luật trước khi Quốc hội thông qua tại các kỳ họp, nhất thiết phải đưa ra phiên họp đại biểu chuyên trách...
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề cập đến một số nhiệm vụ trong tháng 1 cần phải chuẩn bị rất tích cực như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và quy hoạch không gian biển quốc gia.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, còn chưa đến 1 tháng để chuẩn bị các nội dung này, nếu không tập trung thì khó có thể bảo đảm chất lượng các dự án luật.
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo với Chính phủ chỉ đạo hai cơ quan trực tiếp liên quan là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra).
Phó Chủ tịch Quốc hội lo ngại không bảo đảm tiến độ và chất lượng vì có nhiều vấn đề cần làm rõ thêm.
Gửi phản hồi
In bài viết