Đồng chí Hoàng Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Long cho biết: thời gian qua, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác giảm nghèo, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho mỗi cán bộ xã phụ trách, phối hợp với trưởng thôn trực tiếp đi khảo sát từng hộ nghèo, cận nghèo để tìm ra nguyên nhân nghèo. Xã phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ nguồn vốn cho người dân phát triển sản xuất. Hằng năm, xã đều mở các lớp đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn của nhân dân, đặc biệt chú trọng phát triển cây chè đặc sản trong phát triển kinh tế.
Cán bộ xã Sinh Long giúp nhân dân thôn Phiêng Ten cách nhận biết bệnh trên cây ngô.
Anh Lầu Văn Vàng, thôn Phiêng Ten chia sẻ: Gia đình anh hiện có 14 con bò, 5 con trâu, trước đây gia đình thuộc diện hộ nghèo. Năm 2016, sau khi được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang số tiền 30 triệu đồng, anh đầu tư mua bò và trâu sinh sản về nuôi. Anh tâm sự, được nhà nước giúp đỡ vốn, nên anh nỗ lực để làm kinh tế thoát khỏi cái nghèo. Người dân trong thôn thấy anh làm được nên nhiều người cũng học tập làm theo, nhờ vậy mà cuộc sống của người dân Phiêng Ten đã thêm phần ấm no, nhiều nhà có ti vi, có nhiều gia dụng đắt tiền, cuộc sống cũng nhờ đó mà trở nên khấm khá hơn trước.
Trước đây, nhắc đến Phiêng Ten là nhắc đến thôn có tỷ lệ hộ nghèo nhiều của xã, với 100% đồng bào Mông sinh sống, nhưng hiện nay, đây là thôn có nhiều kinh nghiệm thoát nghèo nhất của xã. Anh Lầu Văn Sông, Bí thư chi bộ cho biết: Để người dân trong thôn cùng nhau thoát nghèo, cán bộ xã đã tích cực tuyên truyền, giới thiệu những gương điển hình thoát nghèo nhờ nuôi trâu, bò nhốt cho người dân học tập và làm theo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của thôn đã giảm đáng kể, toàn thôn hiện có 34 hộ với 166 nhân khẩu thì chỉ còn 2 hộ nghèo. Nhiều hộ gia đình đã xây dựng chuồng trại quy mô lớn nuôi nhốt trâu, bò như gia đình: Lầu Văn Nó, Lầu Văn Vàng, Lầu Văn Tu... Tận dụng diện tích đất tự nhiên, mới đây tại Phiêng Ten đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng ngô sang trồng thử nghiệm cây cam sành để phát triển thêm kinh tế.
Toàn xã Sinh Long hiện có 8 thôn với 259 hộ dân, đa số là đồng bào Mông, Dao sinh sống. Trong xã hiện có tổng đàn trâu, bò của xã đạt trên 1.700 con, trung bình mỗi hộ có 6 con. Năng suất lúa của xã ngày càng tăng, hiện nay đã đạt trên 55 tạ/ha. Đặc biệt, thời gian qua bà con đã tích cực trồng và chăm sóc cây chè Shan tuyết, đưa sản phẩm chè Shan tuyết trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương. Hiện toàn xã có hơn 100 ha chè tập trung với gần 400 hộ tham gia trồng chè. Sản lượng chè búp tươi mỗi năm đạt khoảng 30 - 40 tấn, giá thu mua từ 12 - 15.000 đồng/kg chè búp tươi. Trên địa bàn xã có 2 cơ sở chế biến chè gồm: Công ty TNHH Việt Dũng, công suất chế biến 3 tấn chè búp tươi/ngày; cơ sở chế biến chè của hộ gia đình ông Lương Văn Chúc, thôn Phiêng Thốc với công suất chế biến 1 tấn chè búp tươi/ngày.
Ngoài việc người dân chủ động phát triển kinh tế, từ năm 2016, sau khi con đường vào trung tâm xã Sinh Long được nhựa hóa, rút ngắn khoảng cách thông thương, thương lái khắp nơi đã không ngại vào xã để thu mua nông sản và vận chuyển những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ bà con. Anh Hoàng Văn Sai, Trưởng thôn Phiêng Ngàm cho biết: Trước kia khi đường chưa được trải nhựa, những ngày mưa, nền đất nhão nhoẹt đi lại rất khó khăn, do vậy nhiều khi người dân có nông sản cần bán thì việc vận chuyển hàng hóa là một thách thức lớn. Từ ngày có con đường mới, việc đi lại của người dân đã thuận lợi, kinh tế cũng từng bước đi lên.
Đầu tháng 1 năm nay, trong lần tiếp xúc cử tri tại xã Sinh Long, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang đã đánh giá cao những nỗ lực giảm nghèo tại xã trong thời gian qua, mong muốn xã sẽ phát huy những thế mạnh của địa phương như phát triển diện tích chè Shan tuyết đặc sản, nhân rộng các mô hình nuôi trâu, bò nhốt, đưa thêm cây cam sành, cây thảo dược vào để trồng, đa dạng thêm cơ cấu cây trồng của xã.
Gửi phản hồi
In bài viết