Ông Hoàng Văn Bảo, Bí thư chi bộ thôn Thị cho biết, hàng năm trong thôn thải ra môi trường lượng rác thải khá lớn. Yêu cầu đặt ra là số rác thải đó cần sớm được thu gom, xử lý đúng, bảo vệ môi trường sống trong lành, cảnh quan sạch đẹp. Vì thôn thuộc xã vùng sâu, vùng xa chưa có đơn vị tổ chức thu gom, vận chuyển, xử rác sinh hoạt tập trung nên yêu cầu đó rất cần thiết.
Cán bộ các thôn trên địa bàn xã Hùng Đức (Hàm Yên) đến tham quan,
tìm hiểu cách xây bể chứa, xử lý rác tại thôn Thị.
Tháng 6-2020, chi bộ thôn đã họp, thống nhất triển khai mô hình xây dựng bể chứa, thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại các hộ dân. Mục tiêu là mỗi hộ dân tự xây 1 bể chứa thu gom, phân loại, xử lý rác thải, giảm thiểu tối đa số rác sinh hoạt chưa qua xử lý thải ra môi trường. Chi bộ thôn đã phân công cho các đảng viên, trưởng các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng thực hiện. Tiếp đó, thôn tổ chức họp nhân dân để lắng nghe ý kiến, giải thích để nhân dân nắm rõ mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của mô hình, tạo sự đồng thuận chung.
Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là chưa có tiêu chuẩn, mẫu bể, lò đốt rác như thế nào để vận động nhân dân cùng làm. Toàn bộ kinh phí đều do nhân dân tự bỏ ra nên cần tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu được lợi ích xây bể chứa rác góp phần bảo vệ môi trường sống của chính mình. Tiêu chí đặt ra là cần lựa chọn mẫu bể chứa vừa dễ xây, đơn giản và phát huy hiệu quả thiết thực.
Để làm gương, các cán bộ, đảng viên của thôn tiên phong thực hiện trước. Phát huy tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, đồng chí Nguyễn Văn Thủy, Phó Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đã lên mạng Internet tìm hiểu, nghiên cứu lựa chọn mẫu và triển khai xây dựng bể rác ngay tại nhà mình.
Đồng chí Thủy đã tự thiết kế bể bằng gạch khá đơn giản, trên có mái che, khu vực chứa rác thải bằng các vỉ sắt, phía dưới có cửa hút gió. Ưu điểm của bể này vừa chứa rác, vừa đốt được rác thông thường như: Túi nylon, lá cây, giấy... Khi đốt rác cháy nhanh, tiện lợi và không bị đọng nước mưa. Qua tính toán cụ thể, tổng chi phí mua vật liệu, cộng cả thuê công thợ xây hết từ 400 đến 600 nghìn đồng/lò (tùy chọn xây bằng gạch bi hay gạch đỏ). Từ mẫu bể trên, các hộ trong thôn đến tham quan, học tập để về tự xây bể chứa rác ngay tại nhà mình. Tính đến cuối tháng 12-2020, cả thôn Thị đã có 92/102 hộ xây bể chứa rác tại gia đình. Đa số các hộ trong thôn đã duy trì tốt việc thu gom, phân loại rác thải và xử lý rác ngay tại bể nhà mình. Bên cạnh đó, mỗi tháng một lần thôn huy động nhân dân tham gia tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm.
Đồng chí Hà Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Hùng Đức cho biết, mô hình xây dựng bể chứa, thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại thôn Thị đã tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”. Từ mô hình này, nhân dân từng bước nâng cao ý thức thu gom, xử lý rác thải, hạn chế vứt rác thải bừa bãi, ý thức chung trong giữ gìn đường làng, ngõ xóm luôn sạch đẹp. Từ thành công mô hình này, ngay trong năm 2021 này, cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo nhân rộng ra các thôn: Văn Nham, Uổm Tưởn, Làng Chẵng, Khánh Xuân và Khánh Hùng.
Gửi phản hồi
In bài viết