Tốc độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nỗ lực phục hồi kinh tế của các nước Đông Nam Á.
So với năm 2020, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á được dự đoán sẽ có một sự thay đổi tích cực trong tăng trưởng kinh tế, nhưng biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 đang làm chệch hướng quỹ đạo này. Theo số liệu phân tích của các tổ chức y tế, số ca mắc Covid-19 tại Đông Nam Á đã tăng 41%, số ca tử vong cũng tăng 39% trong tuần qua. Đây được xem là tốc độ gia tăng dịch Covid-19 nhanh nhất trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, cổ phiếu và tiền tệ trên toàn khu vực đã bị bán tháo những ngày qua, chính phủ các nước đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, nhiều ngân hàng trung ương bị cạn kiệt nguồn vốn. Đồng baht của Thái Lan đã mất 5% giá trị kể từ giữa tháng 6 - thời điểm biến chủng Delta xuất hiện tại nước này, trong khi đó đồng peso của Philippines cũng mất 4,2% giá trị. Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 từ 3% xuống còn 1,8%, do hoạt động du lịch sụt giảm mạnh trong thời kỳ đại dịch; dự báo tăng trưởng cho năm 2022 cũng được hạ từ mức 4,7% xuống 3,9%. Chính phủ Indonesia cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2021 từ mức 4,5-5,3% xuống còn 3,7-4,5% do việc triển khai các hạn chế hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp mới đây tại hai đảo Java và Bali.
Theo Ngân hàng Thế giới, trước đại dịch, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được coi là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Kinh tế Đông Nam Á được thúc đẩy bởi nhu cầu nhập khẩu mạnh mẽ trên toàn cầu. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh tới các động lực phát triển truyền thống như tiêu dùng, du lịch và sự thay đổi về nhu cầu nhập khẩu đang gây ra những thiệt hại lớn cho khu vực.
Các nhà kinh tế học của Ngân hàng Đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs, có trụ sở tại Mỹ cho biết, họ đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thời kỳ nửa cuối năm 2021 của Đông Nam Á ở mức trung bình là 1,8%. Các nước bị cắt giảm dự báo lớn nhất là Indonesia từ 5% xuống còn 3,4%, Philippines từ 5,8% xuống còn 4,4%, Malaysia từ 6,2% xuống còn 4,9% và Thái Lan từ 2,1% xuống còn 1,4%.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, hiện tại nguồn cung vắc xin phòng Covid-19 đang là những thách thức đối với các nước Đông Nam Á. Tiến độ của các chương trình tiêm chủng ở mỗi quốc gia sẽ tác động đến chi tiêu của người dân.
Nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho thấy, nếu 100 triệu liều vắc xin được phân phối vào năm 2021 để đạt được miễn dịch cộng đồng vào quý đầu tiên của năm 2022, thì nền kinh tế Thái Lan có thể tăng trưởng 2,0% vào năm 2021 và 4,7% vào năm 2022. Cùng với tiêm phòng, các biện pháp y tế công cộng có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm hỗ trợ ngăn chặn đại dịch để tái khởi động nền kinh tế theo từng giai đoạn.
Theo nhà phân tích chiến lược Margaret Yang tại Singapore, tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 tương đối chậm trong khu vực và các chủng của vi rút đột biến có thể tạo ra bất ổn cho tốc độ phục hồi. Để tái khởi động nền kinh tế, các quốc gia có thể ưu tiên một số thành quả đang lưu lại như số hóa nền kinh tế, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm, bảo đảm sinh kế cho người dân. Việc triển khai hiệu quả các vấn đề này sẽ giúp tăng cường khả năng phục hồi nền kinh tế và hệ thống y tế của khu vực Đông Nam Á.
Gửi phản hồi
In bài viết