Các nước tiếp tục thúc đẩy chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19

Tính đến 6h ngày 20-7, toàn thế giới có 191.664.203 ca mắc Covid-19, trong đó có 4.111.956 trường hợp tử vong và 174.520.383 bệnh nhân đã hồi phục.


Một điểm xét nghiệm nhanh Covid-19 tại thủ đô Rome (Italia). Ảnh: Tân Hoa xã

Báo cáo do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố ngày 19-7 cho thấy, nữ giới đang chịu tác động từ tình trạng mất việc làm do Covid-19 nặng nề hơn so với nam giới. Trong các giai đoạn giãn cách xã hội để phòng dịch, phụ nữ đứng trước nguy cơ bị nghỉ việc hoặc rút ngắn thời gian làm việc cao hơn. Theo ILO, trong năm 2021, số phụ nữ có việc làm dự báo sẽ thấp hơn 13 triệu người so với mức ghi nhận năm 2019, trong khi số nam giới có việc làm sẽ phục hồi về mức tương đương năm 2019. Châu Mỹ là khu vực tỷ lệ nữ giới có việc làm giảm mạnh nhất, với mức giảm 9,4%. 

Châu Mỹ

Ngày 19-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi người dân nước này nhanh chóng tiêm vắc xin ngừa Covid-19, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 đang tăng nhanh do sự lây lan của biến chủng Delta. Cùng với việc số ca mắc mới tăng nhanh, các trường hợp phải nhập viện và tử vong do Covid-19 cũng tăng mạnh trong những tuần gần đây, chủ yếu là do dịch bệnh bùng phát ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. 

Tổng thống J.Biden khẳng định, sự phục hồi kinh tế của nước này phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh. Ông chủ Nhà Trắng cũng cho biết, 4 bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp chiếm tới 40% số ca mắc mới Covid-19 trong tuần trước.

Ngày 19-7, Cơ quan quản lý y tế Brazil thông báo, nước này đã cấp phép thử nghiệm tiêm chủng mũi vắc xin ngừa Covid-19 thứ ba của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển). Theo cơ quan này, 10.000 tình nguyện viên đã tiêm mũi vắc xin ngừa Covid-19 thứ hai từ 11 đến 13 tháng sẽ tham gia đợt thử nghiệm. 

Châu Âu

Ngày 19-7, Người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết, nước này đã chính thức bước vào làn sóng dịch Covid-19 thứ tư. Trong vòng 24 giờ, Pháp đã ghi nhận thêm hơn 12.500 ca mắc Covid-19. Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc mới tại nước này ở mức trên 10.000 ca, trong bối cảnh biến chủng Delta đang lây lan nhanh chóng. Trong khi đó, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp, ông Clement Beaune cho biết, không loại trừ khả năng nước này phải tái áp đặt lệnh giới nghiêm nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19 nếu số ca nhiễm mới tiếp tục có xu hướng tăng nhanh. 

Ngày 19-7, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu cho biết đang đánh giá việc sử dụng thuốc điều trị viêm khớp Kineret trong điều trị các bệnh nhân trưởng thành bị viêm phổi có nguy cơ suy hô hấp nặng. Đây là loại thuốc do nhà sản xuất thuốc điều trị bệnh hiếm gặp Sobi của Thụy Điển bào chế. 

Ngày 19-7, Ireland đã áp dụng chứng chỉ kỹ thuật số về Covid-19 như nhiều quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu (EU), sau vài tuần bị chậm trễ do hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này bị tin tặc tấn công. Trước đó, EU đã chính thức áp dụng chứng chỉ này từ ngày 1-7 với mong muốn thúc đẩy mùa du lịch hè sau 1 năm ngành công nghiệp không khói chịu tác động nặng nề của đại dịch. 

Ngày 19-7, Chính phủ Anh cho biết, nước này chưa có kế hoạch tiêm chủng cho hầu hết trẻ em cho đến khi có thêm cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, trẻ em từ 12 tuổi trở lên bị khuyết tật, mắc hội chứng Down, suy giảm miễn dịch và các dạng khiếm khuyết khác sẽ được xem xét để tiêm vắc xin ngừa Covid-19. 

Theo Thủ tướng Anh Boris Johnson, vào cuối tháng 9 tới, người dân nước này sẽ cần có chứng nhận đã tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 để được vào những điểm tụ tập đông người. 

Chính phủ Italia dự kiến áp đặt các biện pháp hạn chế đối với những người chưa tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trong nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát trở lại của dịch bệnh. Những người này có thể bị cấm đi ăn bên ngoài, tại các nhà hàng, quán bar và không được vào sân vận động, bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim, bể bơi, phòng tập thể dục... Chính phủ nước này cũng kỳ vọng việc xuất trình chứng nhận tiêm vắc xin ngừa Covid-19 khi đi du lịch trong nước bằng tàu hỏa hay máy bay sẽ giúp khuyến khích nhiều người tiêm chủng hơn. 

Châu Á

Ngày 19-7, Iran đã quyết định tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại thủ đô Tehran và một số tỉnh phụ cận trong bối cảnh số ca mắc mới hằng ngày liên tục tăng cao và gần trở lại mức cao nhất từng được ghi nhận hồi giữa tháng 4. Đây cũng là lần đầu tiên nước này ban bố các biện pháp phòng dịch với mức độ nghiêm ngặt như vậy kể từ khi dịch bệnh bùng phát. 

Từ ngày 19-7, toàn bộ văn phòng chính phủ và hệ thống ngân hàng tại Tehran và tỉnh Alborz sẽ đóng cửa, giao thông vận tải bằng ô tô đến và đi từ 2 địa phương này đều bị cấm, đồng thời các doanh nghiệp có nguy cơ lây nhiễm cao cũng phải đóng cửa theo các biện pháp mới được ban hành. Đến nay, Iran đã có hơn 3,5 triệu trường hợp mắc Covid-19, trong đó có hơn 87.000 bệnh nhân tử vong.

Ngày 19-7, một ủy ban trực thuộc Bộ Y tế Nhật Bản đã phê chuẩn việc sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Moderna (Mỹ) cho thanh, thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi. Trong thử nghiệm tại Mỹ, không có ai trong số hơn 3.700 thanh, thiếu niên ở độ tuổi này có các triệu chứng của Covid-19 sau khi tiêm mũi thứ hai vắc xin ngừa Covid-19 của Moderna.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục