Ảnh minh họa.
Kéo dài 6 năm, Dự án Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu ngành Y tế Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) đã giúp 3 quốc gia thông qua các kế hoạch thích ứng y tế cấp quốc gia để giải quyết những rủi ro về sức khỏe liên quan tới thời tiết, bao gồm nắng nóng và các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sốt rét, căng thẳng do nhiệt, và tiêu chảy.
Tổng thể, dự án đã hoàn thành các đánh giá chi tiết về tính dễ tổn thương và khả năng thích ứng cho 14 tỉnh có nguy cơ cao ở các quốc gia này và đào tạo hơn 1.300 cán bộ ngành Y tế về biến đổi khí hậu và thích ứng y tế.
Ngoài ra, hơn 600 nhà hoạch định chính sách ở khu vực Nhà nước và tư nhân đã tham gia các phiên họp và hội thảo vận động chính sách cấp cao, tập trung vào những chiến lược thích ứng y tế quốc gia và điều phối giám sát, ứng phó dịch bệnh, cùng các hoạt động khác.
Dự án cũng giúp chính phủ 3 quốc gia xác định các hoạt động đầu tư hiệu quả về chi phí để giảm tỷ lệ tử vong và tỷ suất bệnh do các bệnh liên quan đến biến đổi khí hậu...
Bà Ayako Inagaki, Trưởng ban Phát triển con người và xã hội thuộc Vụ Đông Nam Á của ADB, chia sẻ: “Dự án đã giúp giảm thiểu tính dễ tổn thương của Việt Nam, Lào, Campuchia trước các nguy cơ y tế do biến đổi khí hậu gây ra, đặc biệt trong nhóm dân cư dễ bị tổn thương, bao gồm người nghèo, người di cư và người dân tộc thiểu số”.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam, nhận định: “Kế hoạch thích ứng y tế quốc gia và các hệ thống giám sát do dự án hỗ trợ sẽ giúp Việt Nam giảm thiểu những tác động về kinh tế và y tế của biến đổi khí hậu trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.
Dự án được phê duyệt năm 2015 với khoản viện trợ trị giá 4,4 triệu USD từ Quỹ phát triển Bắc Âu và nguồn vốn đối ứng từ chính phủ 3 nước. Đây là sáng kiến đầu tiên của ADB ở khu vực Đông Nam Á nhằm cải thiện khả năng ứng phó của chính phủ trước tác động của biến đối khí hậu đối với chăm sóc y tế.
Chính phủ các nước Việt Nam, Lào, Campuchia nhận thức rõ rằng, biến đổi khí hậu là một mối đe dọa lớn đối với phát triển kinh tế bền vững của các quốc gia này. Dự án được triển khai bởi Cục Y tế dự phòng Campuchia, Cục Vệ sinh và tăng cường sức khỏe Lào, và Cục Quản lý môi trường y tế Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết