Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ngành tài chính-ngân hàng là một trong những ngành tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số. Nhiều ngân hàng tại Việt Nam hướng tới chuyển đổi số trên nền tảng điện toán đám mây nhằm thực hiện chiến lược: Đi nhanh, đi xa, ổn định hơn, an toàn hơn.
Dịch vụ tài chính cho tương lai
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, các nhiệm vụ liên quan đến điện toán đám mây được Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện bao gồm:
Xây dựng và làm chủ công nghệ điện toán đám mây (Cloud) với các mô hình triển khai (đám mây công cộng, đám mây dùng riêng, đám mây lai) và các loại hình dịch vụ cung cấp trên đám mây khác nhau, phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước và xã hội; xây dựng hệ thống điện toán có năng lực đủ mạnh để xử lý, phân tích dữ liệu, huy động được sự tham gia của cộng đồng, cho phép các tổ chức, doanh nghiệp cùng khai thác phục vụ phát triển hệ sinh thái sản phẩm sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo...
Ngành ngân hàng đã đón đầu công tác chuyển đổi số khi phê duyệt “Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030” vào tháng 12/2019. Trong đó, xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 60% ngân hàng Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, đến năm 2030 tỷ lệ này tăng lên 100%.
Để triển khai chiến lược này, tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 09/2020/TT-NHNN, cho phép các ngân hàng đưa dữ liệu quan trọng, cấp độ 3, 4, 5 lên Cloud nếu bảo đảm những quy định an toàn. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, Thông tư số 09 có tính bước ngoặt trong chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Bên cạnh đó, để triển khai Quyết định số 749 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định số 810 ngày 11/5/2021 nhằm khuyến khích, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng các công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn (Big Data), chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML)... trong hoạt động ngân hàng.
“Nếu trước đây, nhiều ngân hàng cho rằng chuyển đổi số chỉ đơn thuần là thay đổi giao diện ứng dụng tương tác với khách hàng, chưa coi trọng đến các quy trình nội bộ, sử dụng khoa học phân tích dữ liệu và nâng cao năng lực cho nhân viên, thì nay các ngân hàng đã hiểu được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng.
Trong đó, điện toán đám mây đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, công nghệ này đã và đang được khai thác phục vụ cho hoạt động quản trị hệ thống, sáng tạo dịch vụ mới...”, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Cần một hành lang pháp lý hoàn chỉnh
Sự phát triển của điện toán đám mây cho phép các ngân hàng tập trung nhiều hơn vào mô hình lấy khách hàng làm trung tâm, số hóa giao dịch và tài sản. Các giải pháp đám mây tạo ra mối quan hệ đa kênh với khách hàng trên tất cả dịch vụ và cho phép lưu trữ, sao lưu và phục hồi hệ dữ liệu khổng lồ được sản sinh mỗi giờ của hệ thống ngân hàng.
Không chỉ lưu trữ dữ liệu, nhiều dịch vụ khác như cung cấp phần mềm, chuyển giao, cập nhật và khôi phục dữ liệu cũng rất dễ dàng. Tuy nhiên, do những trở ngại về rủi ro pháp lý, độ tin cậy và bảo mật, cho nên dù đã xác định tầm quan trọng từ sớm, song mới chỉ một vài ngân hàng thật sự mạnh tay đầu tư vào công nghệ này.
Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, với sứ mệnh vươn cao, vươn xa và phục vụ khách hàng hiệu quả, các ngân hàng, tổ chức tài chính cần một nền tảng công nghệ giúp ổn định về mặt cơ sở hạ tầng, triển khai nhanh nhất ra thị trường, giảm thiểu chi phí trên từng giao dịch cũng như bảo đảm tính an ninh, an toàn, bảo mật.
“Trong kỷ nguyên đám mây, thay đổi là đối sách sống còn của các ngân hàng, song để thay đổi một cách toàn diện, đồng bộ, cần có hành lang pháp lý thật cụ thể cùng với việc thực hiện nghiêm ngặt các vòng bảo vệ an ninh mạng và lựa chọn nhà cung cấp tin cậy, giám sát chéo giữa các đối tác, tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn và quy định của các bên nhằm bảo đảm hiệu quả nhất cho việc bảo vệ dữ liệu trên đám mây, giúp các ngân hàng yên tâm chuyển đổi số”, ông Nguyễn Quốc Hùng nêu rõ.
Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghệ ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) Đoàn Thanh Hải, điện toán đám mây đã trở thành một nhân tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, cho phép tổ chức tận dụng các lợi ích của nó như tính mở rộng, tính linh hoạt, tính bảo mật và tính hiệu quả về chi phí.
Dịch vụ dựa trên đám mây cho phép các ngân hàng quản lý dữ liệu một cách hiệu quả, tối ưu hóa hoạt động và cung cấp các giải pháp đổi mới cho khách hàng. Tuy nhiên, cũng có những thách thức mà ngành ngân hàng phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số lên Cloud, đó là việc áp dụng các công nghệ mới, chuyển đổi các hệ thống cũ, bảo đảm an ninh mạng và hoàn thiện các vấn đề pháp lý liên quan.
Chia sẻ về các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển hoạt động ngân hàng số đã và đang diễn ra tại chính ngân hàng, Giám đốc Tài chính của Techcombank, ông Alexandre Macaire cho biết, Techcombank xác định ba mục tiêu trọng tâm của ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số, đó là lấy khách hàng làm trung tâm, nâng cao trải nghiệm của khách hàng; mở rộng quy mô hoạt động của ngân hàng, hạ thấp chi phí; đẩy nhanh tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường và tốc độ sáng tạo.
“Techcombank có các nền tảng công nghệ số, kênh số hiện đại và lợi thế vượt trội với khoảng 90% số tương tác trên kênh số, thu hút 55% số người dùng mới trên kênh số, tỷ lệ gắn bó với ứng dụng đạt đến 88% và thời gian khắc phục sự cố giảm 20-25%. Điều này đã nâng cao hiệu suất hoạt động chung của ngân hàng và tính luân chuyển trong hệ thống. Trong đó, lợi ích lớn nhất là tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường và mức độ bảo mật trên hệ thống điện toán đám mây”, ông Macaire khẳng định.
Với nhu cầu chuyển đổi số hiện nay, dịch vụ điện toán đám mây đang ngày càng được các tổ chức và doanh nghiệp quan tâm, nhất là lĩnh vực tài chính-ngân hàng. Theo ước tính từ Hiệp hội Ngân hàng, trung bình một doanh nghiệp sẽ đầu tư khoảng hơn 66 triệu đồng/năm cho dịch vụ này. Trong tương lai, doanh số có thể đạt tới con số 53.000 tỷ đồng vào năm 2025.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, điện toán đám mây sẽ là một trong những xu thế phát triển mạnh tại Việt Nam năm 2023. Nhiều tổ chức nghiên cứu cũng đã đưa ra dự báo về mức độ tăng trưởng của thị trường đám mây Việt Nam có thể đạt mức 26%/năm - chỉ số cao nhất Đông Nam Á hiện nay.
Gửi phản hồi
In bài viết