Số hóa hồ sơ vụ án là phương pháp sử dụng thiết bị công nghệ để chuyển hóa chứng cứ thành dạng thông tin (file) hình ảnh hoặc video để những người tiến hành tố tụng sử dụng máy tính, thông qua thiết bị trình chiếu có thể nhìn thấy, nghiên cứu và trích cứu mà không phải sử dụng đến hồ sơ vụ án bằng giấy.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đánh giá: việc số hóa hồ sơ vụ án là chủ trương đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn công tác, là hoạt động nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án theo yêu cầu cải cách tư pháp, chỉ đạo và hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng như đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Mới đây, ngày 17-8, VKSND huyện Chiêm Hóa phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức thực hiện số hóa hồ sơ và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa đối với vụ án hôn nhân và gia đình về “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con khi ly hôn” giữa nguyên đơn là chị Q, trú tại xã Vinh Quang và bị đơn là anh T, trú tại xã Yên Nguyên. Tại phiên tòa, kiểm sát viên đã thực hiện việc trình chiếu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, góp phần làm rõ các nội dung, tình tiết của vụ án một cách khách quan, toàn diện. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ, Hội đồng xét xử đã tuyên chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của chị Q, giao con chung cho chị Q. trực tiếp nuôi dưỡng.
Kiểm sát viên đang số hóa các hồ sơ vụ án.
Anh Đặng Trung Hiếu, kiểm sát viên VKSND huyện Chiêm Hóa cho biết: nếu hồ sơ vụ án được số hóa thì các tài liệu, chứng cứ sẽ được lưu trữ trong một thư mục lưu trên máy vi tính, khi cần tìm kiếm tài liệu, chứng cứ nào chỉ cần thao tác đơn giản trên máy tính sẽ tìm thấy nhanh chóng. Hồ sơ số hóa phản ánh đầy đủ, chính xác các tình tiết, diễn biến hành vi phạm tội của bị cáo sẽ giúp kiểm sát viên chủ động trong quá trình xét hỏi, tranh luận.
Nhằm nâng cao kỹ năng, trình độ nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án, đầu tháng 8 vừa qua, VKSND thành phố Tuyên Quang phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp đã tổ chức phiên tòa dân sự sơ thẩm rút kinh nghiệm và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh đối với vụ án “Tranh chấp chia tài sản chung” giữa nguyên đơn anh M. và chị Q, cùng trú tại xã Lưỡng Vượng với bị đơn là ông H. và bà C, cùng trú tại xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang), vụ án khởi kiện yêu cầu việc phân chia tài sản chung là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Trong quá trình xét xử, tại phần xét hỏi, kiểm sát viên đặt câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu kết hợp công bố tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa bằng hình ảnh để làm rõ những nội dung còn mâu thuẫn, đánh giá tài liệu, chứng cứ cũng như lời trình bày của đương sự. Kết quả, Hội đồng xét xử tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, phù hợp với quan điểm giải quyết vụ án của Viện kiểm sát, vụ việc diễn ra được dư luận đồng thuận, giữ đúng lập trường thượng tôn pháp luật.
Trong 8 tháng qua, VKSND 2 cấp trong tỉnh đã thực hiện số hóa được 13 vụ án hình sự và dân sự, quá trình xét xử đã sử dụng tài liệu, chứng cứ tại 9 phiên tòa. Chị Phan Thị Hồng Hải, Phó Chánh văn phòng VKSND tỉnh cho biết thêm, việc số hóa hồ sơ vụ án là bước đột phá lớn trong công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát và Tòa án, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng dễ khai thác, nghiên cứu, bảo đảm chính xác, nghiêm minh trong xét xử, đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ công tác.
Theo đánh giá của VKSND tỉnh, việc tiến hành số hóa hồ sơ vụ án, công bố các tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa đã góp phần nâng cao tính thuyết phục đối với những người tham gia tố tụng. Bên cạnh đó, việc thực hiện số hóa hồ sơ sẽ không phải in ấn, chuyển hóa các chứng cứ điện tử thành giấy tờ, tiết kiệm chi phí cũng như thuận lợi cho việc lưu trữ, giảm thiểu sự hao mòn về mặt vật lý, hóa học của tài liệu gốc theo thời gian. Đồng thời, việc số hóa hồ sơ còn giúp việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh công tác đào tạo nhằm nâng cao trình độ, hỗ trợ kỹ năng của kiểm sát viên trong công tác thực hành quyền công tố tại các phiên tòa thì việc số hóa hồ sơ vụ án vẫn gặp một số khó khăn, cơ bản nhất vẫn là sự thống nhất từ nhận thức đến thực tiễn trong công tác số hóa hồ sơ vụ án, chủ yếu đó là thời điểm số hóa hồ sơ, việc bảo mật tài liệu số hóa, cũng như những khó khăn về kinh nghiệm, điều khiển các phương tiện trình chiếu tại các phòng xử án thuộc Tòa án các địa phương...
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Viện trưởng VKSND tỉnh, thời gian tới, VKSND 2 cấp sẽ tiếp tục nâng cấp các thiết bị về lưu trữ, quét văn bản, và trình chiếu để nâng cao hiệu quả truy cập và từng bước hiện đại hóa trang thiết bị phù hợp với yêu cầu công tác. Đồng thời bên phía cơ quan sẽ có phương án chuyên môn hóa các thư mục tài liệu, theo từng bộ phận, đảm bảo tạo điều kiện cho các kiểm sát viên có thể sử dụng tài liệu tại các phiên tòa chính xác, đầy đủ, đảm bảo yêu cầu.
Gửi phản hồi
In bài viết