Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại cuộc họp các Ngoại trưởng NATO tại Praha, CH Séc ngày 31-5. Ảnh:Reuters
Cùng với một số nước thành viên của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Đức là quốc gia tiếp theo nới lỏng hạn chế để Kiev có thể sử dụng các thiết bị quân sự do phương Tây tài trợ trong cuộc xung đột với Mátxcơva.
Một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng đạn dược của Washington để tấn công vào lãnh thổ Nga với mục đích bảo vệ Kharkov, Bộ trưởng các nước Hà Lan, Phần Lan và Ba Lan bày tỏ sự tán thành với quyết định này, nói rằng Ukraine có toàn quyền tự vệ trước các cuộc tấn công từ Nga.
Đồng minh ủng hộ Ukraine sử dụng vũ khí tài trợ tấn công vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga ngày càng nhiều hơn những tuần gần đây sau khi Mátxcơva tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo binh vào Kharkov từ lãnh thổ của mình, khiến Kiev phải kêu gọi giúp đỡ.
Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg: “Đây là vấn đề tôn trọng luật pháp quốc tế, quyền tự vệ của Ukraine. Nga đã tấn công Ukraine và nước này có quyền tự vệ, bao gồm cả việc tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp bên trong lãnh thổ Nga”. Người đứng đầu NATO đánh giá, hiện Nga đang tiến hành các cuộc tấn công Ukraine từ lãnh thổ Nga bằng pháo binh, tên lửa và lực lượng đông đảo. Điều đó khiến Ukraine rất khó tự vệ nếu Kiev không được phép sử dụng vũ khí tiên tiến để đẩy lùi các cuộc tấn công đó.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg bác bỏ những lời đe dọa leo thang mới của Nga. Ông khẳng định: "Không có gì mới. Đây là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Vladimir Putin nhằm ngăn chặn các đồng minh NATO hỗ trợ Ukraine."
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và giới chức Ukraine lập luận rằng lệnh hạn chế sử dụng vũ khí viện trợ của phương Tây tấn công vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga đang đặt lực lượng Ukraine vào tình thế không thể trụ được khi Mátxcơva tăng cường các cuộc tấn công xung quanh Kharkov, nằm cách biên giới Nga chỉ 20km.
Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên NATO đều đồng tình với động thái này. Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani loại trừ khả năng gửi quân tới Ukraine và sử dụng vũ khí của Rome để tấn công các mục tiêu bên trong Nga. Phát biểu với giới báo chí ở Praha, CH Séc bên lề cuộc họp của các Ngoại trưởng NATO, ông Tajani nhấn mạnh sự ủng hộ của nước này đối với Kiev, nhưng nói rằng theo hiến pháp Italia, không cho phép sử dụng vũ khí của mình để tấn công vào lãnh thổ Nga và triển khai quân tới Ukraine.
Ngày 31-5 (giờ địa phương), các ngoại trưởng NATO họp tại thủ đô của Séc để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra tại Washington vào tháng 7 tới, đồng thời đây cũng là dịp để tái khẳng định sự ủng hộ của các thành viên liên minh với Ukraine. Tổng thư ký Stoltenberg cho biết, ông hy vọng có thể tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh rằng ít nhất 2/3 số thành viên cam kết chi 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng.
Cùng ngày, Ukraine và Nga tuyên bố trao đổi tù nhân chiến tranh lần đầu tiên sau gần 4 tháng, với 150 người được trả tự do sau các cuộc đàm phán do Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) làm trung gian.
Tổng thống Zelenskiy cho biết, 75 tù nhân Ukraine đã được Nga trao trả, bao gồm 4 thường dân và các thành viên quân đội.
Gửi phản hồi
In bài viết