Thụy Sĩ sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hoà bình vào tháng 6 tới nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Ảnh: EFE
Theo các nguồn tin trên, Bắc Kinh từ chối lời mời vì các điều kiện để nước này tham gia không được đáp ứng, trong đó có sự tham gia của cả Nga và Ukraine.
Chính phủ Thụy Sĩ đang tìm kiếm sự tham gia rộng rãi từ các quốc gia khác nhau trên thế giới cho hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào ngày 15 và 16-6, sự kiện mà Bern hy vọng sẽ mở đường cho tiến trình hòa bình ở Ukraine dù Matxcơva không được mời.
Một trong những nguồn tin cho biết, Trung Quốc đã thông báo với các nhà ngoại giao trong tuần này rằng các điều kiện chưa được đáp ứng, bao gồm hội nghị phải được cả Nga và Ukraine công nhận, cần có sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên và cần có cuộc thảo luận công bằng về tất cả đề xuất.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Hôm 27-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh ủng hộ việc tổ chức một hội nghị hòa bình được cả hai bên công nhận với sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 30-5 cũng gợi ý rằng Trung Quốc có thể sắp xếp một hội nghị hòa bình trong đó Nga và Ukraine có thể tham gia.
Hồi tháng 1, Ukraine đã mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuần này đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự, nhưng Washington chưa xác nhận sẽ cử ai.
Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với Nga và đã kiềm chế chỉ trích việc nước này trong cuộc xung đột Ukraine, nhưng trước đó Bắc Kinh đã đề xuất vai trò hòa giải nhằm chấm dứt cuộc chiến đã bước sang năm thứ ba.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 30-5 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã âm thầm ủy quyền cho Kiev có thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp cho mục đích phản công các lực lượng Nga đang tấn công hoặc chuẩn bị tấn công nước này.
Quyết định này đánh dấu sự thay đổi chính sách của Tổng thống Joe Biden, trước đó đã kiên quyết từ chối cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Washington để tấn công bên trong nước Nga. Các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, quyết định của ông Biden chỉ áp dụng cho các mục tiêu bên trong nước Nga gần biên giới với khu vực Kharkov, nơi Mátxcơva phát động cuộc tấn công vào ngày 10-5.
Gửi phản hồi
In bài viết