Sôi động thị trường Tết

- Càng gần Tết Nguyên đán, thị trường hàng hóa càng sôi động. Đây cũng là thời điểm các đối tượng trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các hành vi gian lận thương mại, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Lực lượng chức năng đã ra quân quyết liệt, tuyên chiến với hàng kém chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo người dân có một cái Tết an lành.

Nhu cầu tăng - hàng giả dễ trà trộn

Dịp cuối năm và thời điểm cận Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đây cũng là thời điểm nhiều đối tượng lợi dụng đưa hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng vào thị trường tiêu thụ. Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang Hoàng Văn Hùng nhận định, tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và các hành vi gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh mặc dù vẫn xảy ra nhưng không lớn, quy mô nhỏ lẻ. Tuy nhiên, các hành vi này được thực hiện với những phương thức tinh vi hơn nhằm che giấu sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Các loại hàng giả, hàng nhập lậu thời điểm này chủ yếu là thuốc lá, bánh kẹo, quần áo, rượu ngoại, pháo nổ, mỹ phẩm…
Tuyên Quang là tỉnh không có đường biên giới, không có các khu sản xuất, chế biến lớn, nhưng thị trường hàng hóa cũng không vì thế mà không chịu những tác động xấu. Hàng lậu, hàng giả chủ yếu được đưa từ tỉnh khác về bằng xe khách, xe tải rồi xé lẻ đưa vào các cơ sở kinh doanh nhỏ, các sạp hàng tại các chợ phiên thuộc các xã vùng sâu, vùng xa.


Lực lượng Quản lý thị trường ra quân kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng bánh mứt kẹo, nước giải khát tại các đại lý, cơ sở kinh doanh.

Đặc biệt, nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, kinh doanh trực tuyến nở rộ, nguy cơ phát sinh nhiều hành vi vi phạm mới. Thông tin thêm về thủ đoạn kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả mới, Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang cho biết, các đối tượng sử dụng các phương thức, phương tiện kỹ thuật số, thiết bị viễn thông như ứng dụng mạng xã hội, các app trực tuyến trên điện thoại, máy tính để kinh doanh, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh, người đưa hàng… nhằm trốn tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Các đối tượng cũng thường xuyên thay đổi tài khoản mạng xã hội nên rất khó xác định chủ thể vi phạm để xử lý, do đó, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường cũng khó khăn hơn.

Kiểm soát để lành mạnh thị trường

Với đặc thù là tỉnh miền núi, các chợ phiên tương đối phổ biến ở các xã vùng sâu, vùng xa, việc Quản lý hàng hóa tại các khu vực này vẫn là bài toán khó đối với lực lượng quản lý thị trường do tương đối xa trung tâm các thị trấn, nhiều chợ trên cùng địa bàn một huyện lại diễn ra vào cùng một thời điểm. Ông Nguyễn Thành Chung, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 cho biết, Đội quản lý khu vực thành phố và huyện Yên Sơn trong khi biên chế chỉ có 11 người. Khắc phục những khó khăn này, thay vì rải quân đi các chợ phiên nông thôn, đơn vị tập trung kiểm tra, kiểm soát tại các đại lý cung cấp hàng hóa, hạn chế việc “tuồn” ra thị trường những mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.

Khó khăn của Đội Quản lý thị trường số 1 cũng là khó khăn chung của các Đội Quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh. Nhằm quản lý tốt hơn thị trường hàng hóa, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác để kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên nhiều mặt trận. Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh cũng chủ động xây dựng kế hoạch ra quân kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng có nguy cơ cao từ 3 tháng cuối năm 2020. Cách làm này đã góp phần bóc dỡ, xử lý nhiều vụ việc lớn.

Chỉ riêng trong tháng 12, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngày 15-12, đoàn công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả kiểm tra cửa hàng kinh doanh quần áo, đồ gia dụng Nhật Minh tại thôn Tân Thành, xã Thái Hòa (Hàm Yên). Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện 1.200 sản phẩm quần áo, cốc, lọ hoa do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tổng trị giá ước tính khoảng 62 triệu đồng.

Ngày 23-12, tại Km 24 đoạn qua xã Hùng Đức, lực lượng chức năng kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 29B - 407.07 do lái xe Nguyễn Danh Hải, sinh năm 1987, trú tại tổ dân phố Tân Cương, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) điều khiển. Qua kiểm tra, phát hiện trên xe có nhiều sản phẩm quần áo thời trang do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 24-12, tại Km 29 đoạn qua thôn Ao Vệ, xã Thái Hòa (Hàm Yên), cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện xe tô tô tải biển kiểm soát 23C-052.76 do lái xe Triệu Anh Việt, sinh năm 1991, trú tại Lâm Thao (Phú Thọ) điều khiển vận chuyển nhiều sản phẩm bánh kẹo và hàng hóa đồ gia dụng không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu…
Không chỉ hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, buôn bán, vận chuyển trái phép các mặt hàng nguy hiểm như pháo nổ cũng liên tiếp được lực lượng chức năng phát hiện, xử lý thời điểm cuối năm. Từ cuối tháng 12 đến giữa tháng 1, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển trái phép gần 90 kg pháo nổ tại địa bàn các huyện Yên Sơn, Hàm Yên và Sơn Dương. 

Số liệu từ Cục Quản thị trường Tuyên Quang, trong năm 2020, đơn vị này đã kiểm tra 714 vụ, trong đó phát hiện 344 vụ vi phạm, gian lận thương mại. Trong đó, riêng trong tháng cao điểm (tháng 12) đã phát hiện 31 vụ vi phạm, trong đó, chủ yếu là các vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và hàng kinh doanh không rõ nguồn gốc xuất xứ… Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hoàng Văn Hùng cho biết, đối với các hành vi lợi dụng mạng xã hội để bán các mặt hàng không đảm bảo, trong năm 2020 đơn vị phát hiện, xử phạt 12 vụ. Trong thời gian cận Tết Nguyên đán và trong năm 2021, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục theo dõi, kiểm tra việc kinh doanh, buôn bán của các cá nhân trên mạng xã hội. Từ đó, làm lành mạnh hoạt động của thương mại điện tử trên địa bàn.

Đồng chí Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công thương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 khuyến cáo, khi lựa chọn các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát, người tiêu dùng nên lựa chọn những cửa hàng, nhà phân phối uy tín, các sản phẩm có thương hiệu; thông tin về hạn sử dụng sản phẩm, tem nhãn kiểm định... để được bảo đảm về chất lượng. Bên cạnh đó, khi phát hiện những trường hợp gian lận, kinh doanh hàng kém chất lượng, cần báo ngay cho các cơ quan chức năng được biết, để kịp thời ngăn chặn, xử lý, nhằm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương Phạm Văn Lương: 

Đảm bảo cho người dân đón Tết Nguyên đán an lành, UBND huyện yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động thương mại, dịch vụ, kiểm tra kỹ các mặt hàng thực phẩm, pháo nổ. Nếu phát hiện các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, buôn bán hàng cấm, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nguy hiểm. Người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm tỉnh táo khi lựa chọn hàng hóa để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng. 

Ông Nguyễn Việt Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang):

Thời gian qua, UBND phường đã tuyên truyền tới hơn 1.300 hộ kinh doanh trên địa bàn không kinh doanh các mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái; khuyến cáo người dân nên chọn nơi mua sắm uy tín, hàng hóa đạt chất lượng, góp phần chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu. Đồng thời, UBND phường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, giúp mỗi gia đình đón Tết an toàn, vui tươi.

Bà Vũ Hương Giang, Phó quản lý Siêu thị Tuyên Quang:

Khoảng 3 tháng trước Tết, siêu thị đã triển khai các kế hoạch, giải pháp để nhập, dự trữ hàng hóa, đảm bảo không để thiếu nguồn cung. Hiện nay, siêu thị có khoảng hơn 10.000 mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát, đồ điện gia dụng… đảm bảo cung cấp cho người dân. Bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, siêu thị chú trọng chất lượng hàng hóa. Siêu thị đã ký kết hợp đồng với các đơn vị cung ứng sản phẩm có hóa đơn chứng từ đầy đủ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, mẫu mã, quy cách đóng gói đảm bảo. Hàng bày bán tại siêu thị được nhân viên kiểm tra chất lượng, hạn sử dụng hàng ngày nếu có sản phẩm kém chất lượng, hết hạn sử dụng sẽ tiến hành thu hồi và tiêu hủy. Siêu thị Tuyên Quang cam kết chuẩn bị đủ hàng hóa chất lượng tốt, giá cả ổn định nhằm phục vụ cho nhân dân trong dịp Tết.

Ông Nông Quang Hưởng, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp và Thanh tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh:

Chi cục phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các Lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống… Chi cục chú trọng kiểm soát đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

 

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục