Chống hàng giả, dùng hàng thật

- Những ngày gần Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, không khí mua sắm tại các điểm kinh doanh thương mại, các chợ trên địa bàn tỉnh đã nhộn nhịp, sôi động hơn. Theo ghi nhận tại các điểm bán hàng, hàng hóa phục vụ Tết năm nay khá đa dạng, phong phú. Đây cũng là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, buôn lậu hoạt động mạnh nhất trong năm.

Thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh có những chuyển biến tích cực, thị trường hàng hóa ổn định, cung cầu hàng hóa đảm bảo, giá cả hàng hóa thiết yếu nhìn chung ổn định, không xảy ra tình trạng sốt giá ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Tuy nhiên, năm qua tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, việc cung ứng hàng hóa tiêu thụ trong tỉnh phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung cấp từ các tỉnh ngoài.


 Người dân lựa chọn các sản phẩm hàng hóa tại Hội chợ OCOP Tuyên Quang 2021 và công bố chỉ dẫn địa lý Cam sành Hàm Yên. 

Với dự báo tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ ở tỉnh trong tháng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tăng khoảng 20% so với các tháng trong năm, do đó để đảm bảo cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân phối và các siêu thị đã nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch, xây dựng phương án dự trữ hàng hóa đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết. Ông Hứa Mạnh Thái, Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ, Thương mại Thái Dương, tổ 15, phường Phan Thiết chia sẻ: “Kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh Covid-19  còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp như đầu cơ găm giá, nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị trà trộn. Vì vậy công ty đã có kế hoạch, phân phối cung ứng các mặt hàng dịp Tết từ quý III năm 2020. Từ đó, doanh nghiệp đã đặt hàng với các nhà sản xuất trong nước để thực hiện phân phối cung ứng các loại hàng hóa cho các đại lý, cửa hàng kinh doanh trong tỉnh. Đặc biệt, doanh nghiệp chủ động chào hàng, phân phối các mặt hàng đến tất cả các địa bàn vùng sâu, vùng xa nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng”.

Theo khảo sát của phóng viên, thời điểm này, thị trường hàng hóa trên địa bàn tương đối phong phú, đa dạng. Nhiều mặt hàng phục vụ Tết đã có mặt trên các kệ hàng như: Bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, gạo nếp, các mặt hàng nông, lâm sản, thực phẩm... Dịp Tết năm nay người dân có tâm lý ưa chuộng sử dụng hàng Việt Nam. Với giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo, các thông tin về hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hàng Việt ngày càng trở thành sự lựa chọn tin cậy của người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thu Huế, hộ kinh doanh tạp hóa tổ 5, phường Ỷ La (thành phố Tuyên Quang) tâm sự: “Người dân ngày nay chủ yếu dùng hàng Việt Nam có nhãn mác, thương hiệu đầy đủ. Vì thế cửa hàng tôi chủ yếu kinh doanh hàng Việt Nam. Hơn nữa, tôi thấy hàng Việt Nam giờ mẫu mã cũng đẹp, phong phú chủng loại, giá cả vừa túi tiền nên việc tiêu thụ cũng dễ dàng lắm”. Việc hàng Việt Nam không ngừng cải tiến, đổi mới, chất lượng cao hơn, được người tiêu dùng lựa chọn ngày càng nhiều cũng là yếu tố góp phần đẩy lùi hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả.


 Người tiêu dùng mua sắm các mặt hàng tại Siêu thị Tuyên Quang.            

Theo khuyến cáo từ các cơ quan chức năng, từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, buôn lậu hoạt động mạnh nhất trong năm. Ngoài việc làm giả mặt hàng các thương hiệu nổi tiếng thế giới, các đối tượng còn làm giả những mặt hàng “nội” được tiêu thụ tốt, có giá trị cao như dược phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, đồ gia dụng, hàng điện tử... Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, hàng giả trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thường là hàng thực phẩm (nước mắm, mỳ chính), mỹ phẩm (dầu gội đầu, kem dưỡng da, sữa tắm), hàng tiêu dùng khác (dầu nhớt, bóng điện, dây điện, máy tính)... Hàng xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ thường tập trung vào các mặt hàng như phụ tùng xe máy, quần áo, phụ kiện, giày dép, giấy ăn.  Hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chủ yếu tập trung vào mặt hàng thực phẩm như bánh, kẹo, nước giải khát, các sản phẩm gia súc, gia cầm, các loại thực phẩm chế biến sẵn... Các mặt hàng này chủ yếu được sản xuất ở các tỉnh, thành phố khác đưa vào địa bàn Tuyên Quang để tiêu thụ. Các đối tượng kinh doanh thường xé nhỏ lượng hàng và đưa vào thị trường vùng sâu, vùng xa, nơi có dân trí thấp, ít thông tin, người tiêu dùng dễ bị lừa dối để tiêu thụ. Do đó, cùng với sự nỗ lực của các nhà chức năng, các cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm Sở hữu trí tuệ. Người dân nên chọn nơi mua sắm uy tín, hàng hóa đạt chất lượng, góp phần chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục