Người dân thu hoạch bưởi Soi Hà.
Chất đất
Ông Trần Văn Thắng dẫn chúng tôi đi xem cây bưởi Soi Hà cổ có tuổi đời gần 50 năm của gia đình. Cây to, cao, sai quả, tỏa bóng ra một vùng rộng. Có lẽ so với cây bưởi Diễn thì bưởi Soi Hà nhìn có lực hơn. Các cụ cao niên trong thôn chưa xác định cây bưởi Soi Hà có từ bao giờ, nguồn gốc lấy từ đâu. Nhưng khẳng định nó hợp với vùng đất này. Trước kia, dân gian hay gọi là cây bưởi đường. Cầm một nắm đất trên tay ông Thắng bảo “Anh nhìn đây nhé, đất thịt, có mùn lại pha cát. Đất này có nhiều khoáng chất, tơi xốp, dễ thoát nước. Riêng giống bưởi trồng ở đất khó thoát nước là bị thối rễ, lá ngả vàng chết ngay. Còn đất trên sườn đồi khô quá cũng không phù hợp. Nói chung nếu không bị ngập lụt, thì soi bãi ven sông là vùng trồng bưởi Soi Hà lý tưởng”.
Chỉ tay về phía con sông Gâm uốn lượn chảy trong xanh hiền hòa vào mùa thu, Trưởng thôn Soi Hà Lộc Văn Nguyên kể, trước kia khi công trình thủy điện Tuyên Quang chưa được xây dựng, thi thoảng mưa lớn, nước sông Gâm dâng lên cao ngập cả Soi Hà. Chính vì lý do đó mà người dân hay trồng cây ngô, rau đậu mùa vụ ngắn ngày. Lúc đó, cây bưởi Soi Hà vẫn được trồng rải rác trong thôn ở những chỗ đất cao hơn, chủ yếu để sử dụng gia đình. Năm 2007, công trình thủy điện Tuyên Quang được hoàn thành, điều tiết cắt lũ cho hạ du rất tốt. Soi Hà không còn cảnh ngập lụt thường xuyên, ổn định cho sản xuất. Người dân thấy vậy mạnh dạn trồng cây bưởi Soi Hà xuống vùng đất soi bãi thấp, giáp bờ sông. Đất mát, nhiều phù sa, cây phát triển mạnh. Cứ vậy diện tích ngô bị thu hẹp rồi chuyển đổi hoàn toàn sang trồng bưởi Soi Hà cho giá trị cao hơn rất nhiều lần. Nhà nhà trồng bưởi, cả một vùng chuyên canh lớn chạy dọc sông Gâm được hình thành.
Bưởi Soi Hà sai quả, người dân phải dùng cọc tre chống cho các cành của cây.
Để hiểu rõ về cây bưởi Soi Hà, cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã về tận thôn lấy mẫu đất nghiên cứu. Rồi so sánh với 13 mẫu đất khác của các xã trồng nhiều bưởi Soi Hà huyện Yên Sơn. Nhìn chung cây bưởi Soi Hà không kén đất như bưởi Da xanh, song không phải trồng ở đâu cũng được. Nó phát triển tốt nhất ở vùng đất soi bãi ven sông nhiều khoáng chất. Qua quan sát bằng mắt thường và ăn nếm thử, bưởi trồng ở thôn Soi Hà quả to, tròn đều, chín từ màu xanh chuyển vàng, ăn có vị ngọt mát thanh, nhiều nước, hương thơm đậm đà, quyến rũ.
Từ lúc lưa thưa vài cây bưởi, đến nay 100% người dân thôn trồng bưởi Soi Hà. Nơi đây trở thành thủ phủ trồng giống bưởi này nhiều nhất xã Xuân Vân cũng như huyện Yên Sơn. Trồng cây bưởi Soi Hà có thể chiết hoặc ghép, tầm 6 năm trở đi mới cho quả. Do cây tán rộng, mỗi cây phải trồng cách nhau tầm 8 - 10 m. Chính sự trỗi dậy của cây bưởi Soi Hà trên vùng đất ven sông Gâm, Lô của các xã thượng huyện Yên Sơn đã thể hiện chất đất rất quan trọng. Hiện nay cả tỉnh có trên 5.000 ha bưởi, thì riêng các xã ven sông thượng huyện Yên Sơn chiếm 4.100 ha, trong đó phần nhiều là bưởi Soi Hà.
Giàu lên nhờ bưởi
Thôn Soi Hà có 50% dân số là người quê Hà Tây lên lập nghiệp, xây dựng vùng kinh tế mới, sống xen kẽ với người dân tộc Tày, Dao, Nùng người bản địa. Sự giao thoa về văn hóa, dân tộc giúp hướng đi trong phát triển kinh tế của thôn Soi Hà nhanh nhạy, lan tỏa hơn. Hầu như trong thôn không còn hộ nghèo, mức thu nhập bình quân đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. Nhiều nhà trong thôn có thu nhập đều đặn hàng năm từ 300 - 500 triệu đồng từ việc bán bưởi.
Ông Đỗ Khắc Khoát dẫn chúng tôi đi tham quan ngôi nhà hai tầng mới xây dựng khang trang bề thế, trị giá 1,5 tỷ đồng khẳng định “Tôi có được cơ ngơi như này chính là nhờ cây bưởi Soi Hà đấy. Trước đây ở vùng này, dân nghèo lắm, thế mà giờ đây những ngôi nhà xây biệt thự tiền tỷ mọc lên rất nhiều ở Soi Hà. Dân trồng bưởi Soi Hà chúng tôi rất phấn khởi”.
Mùa thu hoạch bưởi Soi Hà cũng vào dịp Trung thu nên lượng tiêu thụ khá nhiều.
Ngoài chất đất tốt, khí hậu mát mẻ, người dân Soi Hà thường truyền tai nhau kỹ thuật chăm sóc bưởi. Cây lấy múi là cần một lượng dinh dưỡng lớn. Ông Lý Phúc Hưng trồng trên 150 cây bưởi Soi Hà đang bơm nước tưới cho vườn bưởi tâm sự: “Ở đây, nhà nào cũng phải khoan giếng sâu từ 25 - 40 m lấy nước sạch chủ động tưới cho bưởi. Mỗi cây bưởi tốt có từ 200 - 300 quả, sai quá chúng tôi phải vặt bớt quả nhỏ. Cơ chế bón phân tổng hợp NPK, phân chuồng ủ, đỗ tương, ngô bột, cá nhỏ ngâm theo một tỷ lệ nhất định. Sâu bệnh phải chú ý con ruồi vàng, bệnh nhện đỏ, rệp trắng. Khi thu hoạch quả bưởi Soi Hà phải đạt trọng lượngn nhất định mới chuẩn. Giá bán ở đây ổn định hàng năm từ 18 - 20 nghìn đồng/ quả. Mỗi cây bưởi Soi Hà cho thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/vụ”.
Vào thời điểm rằm Trung thu này, đi vào thôn cả vùng bưởi Soi Hà đang bắt đầu chín vàng rộm, báo hiệu mùa thu hoạch đến gần. Bà Nguyễn Thị Lan, một lái buôn hoa quả ở chợ Tam Cờ (TP Tuyên Quang) đang đi ngắm nghía các vườn. Bà bảo: “Chúng tôi có hai hình thức mua, một là mua cả vườn, hai là mua theo quả. Bưởi từ 0,8 kg trở lên được quy định loại A. Cái hay của bưởi Soi Hà là sau khi hái để được lâu, bảo quản đúng cách để vài tháng không hỏng. Do đây là giống bưởi đường không phải bưởi chua nên người già, trẻ nhỏ đều ăn được, mức tiêu thụ lớn. Giờ bưởi Soi Hà có thương hiệu rồi, bán rất dễ”.
Đồng chí Lê Hồng Việt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết, với tiềm năng to lớn như vậy, xã xác định phát triển cây bưởi, trong đó tập trung cây bưởi Soi Hà của địa phương là một hướng đi chủ lực. Huyện Yên Sơn đã họp với 14 xã trồng nhiều bưởi Soi Hà đồng ý không gọi bưởi đường, mà thống nhất gọi là bưởi Soi Hà. Đồng thời tiến hành xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa chung cho giống bưởi nổi tiếng này ngày càng bay xa, bay cao.
Gửi phản hồi
In bài viết