Yêu thương là cùng san sẻ
Ròng rã suốt mấy tháng qua, đoàn viên tại các cơ sở Đoàn bệnh viện không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn mà còn tham gia thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan. Bí thư Chi đoàn Bệnh viện Phổi tỉnh Phạm Hải Vân tâm sự, ngoài nhiệm vụ chuyên môn khám, điều trị, chăm sóc cho các bệnh nhân mắc các bệnh về phổi, các bác sỹ, điều dưỡng là ĐVTN còn là lực lượng chính tham gia điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 dương tính trong khu cách ly đặc biệt tại bệnh viện. Lực lượng ĐVTN đã đảm nhận tất cả các khâu phòng, chống dịch như: Xét nghiệm, lấy mẫu, phun khử khuẩn... đến việc vận chuyển các nhu yếu phẩm đảm bảo ăn uống, sinh hoạt... cho các bệnh nhân. Mỗi đợt là cả tháng phải ở lại bệnh viện, không được về nhà. Vất vả là vậy nhưng ai cũng đều cố gắng gấp đôi để chữa trị, phục vụ bệnh nhân.
Trong các đợt tỉnh cử các đoàn cán bộ, y, bác sỹ đi tăng cường hỗ trợ các địa phương khác phòng, chống dịch Covid-19 đã có hơn 40 đoàn viên của các cơ sở Đoàn trực thuộc Đoàn Khối hăng hái lên đường làm nhiệm vụ. Trong đó, có chị Nguyễn Thị Thu Phương, nhân viên y tế công cộng, đoàn viên Chi đoàn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tự nguyện viết đơn xin đi.
ĐVTN Bệnh viện Phổi tỉnh làm kính chống giọt bắn để hỗ trợ cho các đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ
tại Khu cách ly đặc biệt của bệnh viện.
Ngày 9-9-2021, chị Nguyễn Thị Thu Phương cùng với 34 cán bộ, y, bác sỹ khác của tỉnh lên đường hỗ trợ tỉnh Bình Dương chống dịch. Vào đến nơi, chị Phương nhanh chóng làm quen và bắt tay vào công việc ngay. Chị được phân công phụ trách hỗ trợ tại Khu điều trị Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Dầu Tiếng. Khu điều trị có 4 tầng. Chị Phương phụ trách tầng 1, là tầng điều trị cho khoảng hơn 200 bệnh nhân F0. Công việc chính bắt đầu từ 6h sáng và khoảng 4 - 6 tiếng mỗi ngày. Chị thực hiện nhiệm vụ cấp phát thuốc và hướng dẫn cho bệnh nhân sử dụng thuốc giảm tải lượng vi rút mà ở đây đang triển khai ứng dụng thử nghiệm. Ngoài ra, hàng ngày, chị cập nhật hệ thống phần mềm bệnh án và phần mềm sử dụng thuốc thử nghiệm và báo cáo tình hình về Trung tâm y tế huyện số lượng và tình trạng bệnh nhân sử dụng thuốc. Khi bệnh nhân có dấu hiệu nặng, chị lại tham gia hỗ trợ di chuyển họ lên các tầng trên để điều trị hoặc làm bệnh án để chuyển bệnh nhân đến các khu điều trị cao hơn khi có dấu hiệu xấu.
Ở đây, chị Phương được bố trí ngủ nghỉ ngay tại phòng học. Hằng ngày, chị được phục vụ các suất cơm hộp. Tối đến, những lúc rảnh chị lại gọi điện thoại về hỏi thăm gia đình và cô con gái 4 tuổi. Chị bảo, từ hồi còn sinh viên, chị đã tham gia rất nhiều hoạt động tình nguyện ở vùng sâu, vùng xa nên những vất vả về sinh hoạt, ăn ở ở đây không làm khó chị. Cái khó là lượng bệnh nhân đông, là công nhân ngôn ngữ ở vùng miền khác nhau nên hơi khó hiểu. Khi phải điều trị bằng thuốc thử nghiệm, có những bệnh nhân còn nghi ngờ về hiệu quả điều trị của thuốc. Do vậy, chị phải kiên nhẫn để giải thích, nói thật dễ hiểu để thuyết phục họ. Nhìn người dân bị dịch bệnh phải vật lộn, giành giật sự sống từng ngày, chị Phương tự nhủ phải cố gắng vượt lên khó khăn, là chỗ dựa vững chắc cho bệnh nhân.
anh Nguyễn Tuấn Toàn, điều dưỡng viên, đoàn viên chi đoàn Bệnh viện Suối Khoáng Mỹ Lâm đã cùng 34 cán bộ, y, bác sỹ khác của tỉnh cùng lên đường “chi viện” cho thành phố Hồ Chí Minh. Chuyến đi của anh kéo dài từ ngày 26-7 đến 6-9-2021. Anh và một đồng nghiệp được phân công thực hiện nhiệm vụ tại Phòng Hồi sức cấp cứu (ICU) ở Bệnh viện Dã chiến số 10, thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Bệnh viện này được đặt tại khu căn hộ tái định cư của Tập đoàn Novaland, phường An Khánh, TP Thủ Đức.
Bệnh viện có quy mô khoảng 3.500 giường bệnh, lượng bệnh nhân có khi lên đến cả chục nghìn người. Tầng hầm để xe của chung cư được tận dụng làm Phòng hồi sức cấp cứu. Mỗi ngày 6 - 8 tiếng làm việc theo ca, rất nóng và ngột ngạt trong bộ đồ bảo hộ, xong ngoài hỗ trợ các bác sỹ tại đây như: Tiêm, truyền cấp cứu cho các bệnh nhân nặng; vệ sinh và cho bệnh nhân ăn uống, theo dõi chỉ số SPO2, Oxy và vận chuyển bệnh nhân chuyển viện, anh và đồng nghiệp còn đấm bóp, trấn an tâm lý, động viên từng bệnh nhân. Anh Toàn bảo, mỗi khi cởi bộ đồ bảo hộ ra, quần áo đã ướt nhẹm, tay chân nhăn nheo lại, cảm thấy mệt nhoài, xong lại cảm thấy tự hào vì mình được góp phần nhỏ bé vào “cuộc chiến” chống dịch.
Để việc tốt “nở” như hoa mùa xuân
Trong cuộc chiến với “kẻ thù vô hình” Covid-19, việc sản xuất, chế biến, lưu thông nông, lâm, thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ dân khó tiêu thụ được nông sản. Không chỉ riêng các tỉnh miền Nam mà tại tỉnh ta cũng vậy. Một lần nữa tình yêu thương con người lại được tuổi trẻ Đoàn khối phát huy.
Cán bộ, ĐVTN Đoàn khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tặng gà giống cho thanh niên nghèo ở xã Yên Lâm (Hàm Yên).
Ảnh: Quốc Việt
Không thể ngồi yên nhìn cảnh bà con nông dân điêu đứng vì nông sản ứ đọng, Đoàn cơ sở Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, Chi đoàn Sở Thông tin và truyền thông và Chi đoàn Bưu điện tỉnh đã phối hợp hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, Hưng Yên và các sản phẩm nông sản của tỉnh với thông điệp “Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch”. Qua các đợt kêu gọi ủng hộ bằng nhiều hình thức linh hoạt, các cơ sở Đoàn đã kết nối và hỗ trợ tiêu thụ được hơn 34,56 tấn vải thiều, 3,15 tấn nhãn lồng cho nông dân của tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên và trên 5 tấn na cho nông dân 2 xã Lực Hành và Quý Quân (Yên Sơn).
Anh Trần Nam Sơn, Bí thư chi đoàn Bưu điện tỉnh chia sẻ, thực hiện chương trình kết nối, tiêu thụ nông sản cho nông dân trồng na ở 2 xã Lực Hành và Quý Quân (Yên Sơn), lực lượng ĐVTN của chi đoàn đã tích cực tham gia. Các đoàn viên của chi đoàn đã chung tay lắp dựng 2 điểm bán hàng lưu động trên địa bàn thành phố. Sau khi nhận na về, chi đoàn đã phân chia, cắt cử công việc cho từng tốp. Tốp thì bốc xếp, chia chọn, cân và đóng gói, tốp thì làm nhiệm vụ viết tin tuyên truyền trên trang fanpage của Bưu điện tỉnh, trên các trang facebook cá nhân về chương trình, tốp thì tham gia làm “shipper” (vận chuyển). Không chỉ thực hiện việc bán na, chi đoàn còn vận động mỗi ĐVTN tham gia tiêu thụ nội bộ ủng hộ chương trình. Sau mỗi ngày làm việc hết “công suất”, những trái na được tiêu thụ đến tận tay khách hàng, xen lẫn những giọt mồ hôi là niềm vui khó tả vì đã làm được những điều ý nghĩa.
Chăm lo cho cuộc sống của những người dân mùa dịch, tuổi trẻ Đoàn Khối không quên lo cho cả những hoàn cảnh nghèo khó đang phải ở trong những ngôi nhà tạm bợ, rách nát khi mùa mưa đến gần và những em nhỏ đang gặp khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống. Chỉ tính riêng trong Chiến dịch tình nguyện hè 2021, Đoàn Khối đã chung tay hỗ trợ 150 triệu đồng để xây dựng 6 ngôi nhà nhân ái cho 6 hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Tặng quà, giúp đỡ hơn 80 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn kiến thức nông nghiệp và tặng 80 con gà giống hỗ trợ gia đình thanh niên nghèo ở xã Yên Lâm (Hàm Yên); hỗ trợ 8 triệu đồng cho 3 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây nhà vệ sinh tự hoại...
Gia đình chị Lý Thị Nhật, hộ cận nghèo ở thôn làng Bụt, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) vừa cất xong ngôi nhà mới. Ngôi nhà xây cấp 4, mái lợp tôn xốp, rộng khoảng trên 60m2. Chị Nhật bảo, gia đình chị có 5 người. Chị đi làm ở công ty nhưng do ảnh hưởng Covid-19 nên thu nhập bấp bênh. Trước chồng chị làm ruộng, rồi đi làm thuê nhưng vừa qua không may bị ngã gãy tay. Mẹ chị lại thường xuyên đau ốm. Hai con nhỏ đang tuổi đi học nên gặp nhiều khó khăn. Chị chưa bao giờ nghĩ sẽ xây dựng ngôi nhà vững chãi thế này. Chị rất vui và biết ơn các bạn ở Đoàn Khối đã quan tâm, hỗ trợ kinh phí.
Khó khăn, dịch bệnh sẽ còn diễn biến khó lường. Nhưng với trái tim biết san sẻ yêu thương, tuổi trẻ Đoàn Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh sẽ nắm tay đoàn kết, học theo Bác tiếp tục lan tỏa tình yêu thương, sẵn sàng “đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần”, góp phần xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác hằng mong ước.
Gửi phản hồi
In bài viết