Mò mẫm với nhiều nghề
Giàng A Tọa, sinh năm 1986, tuổi đời còn rất trẻ nhưng sóng gió khởi nghiệp của anh khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Anh kể, năm 2012 anh bắt đầu thoát ly gia đình đi làm công nhân khai thác gỗ khắp các vùng Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang nhưng cũng chẳng đủ ăn, kinh tế càng lúc càng đói kém. Tuy ít học nhưng bản tính của người Mông luôn cần cù, chịu khó, anh Tọa quyết định về quê khởi nghiệp để ổn định cuộc sống. Anh bảo, lúc đó cũng chẳng nghĩ gì nhiều, chỉ nghĩ mình còn trẻ cứ tha hương nay đây, mai đó thì không ổn định cuộc sống được. Thế là anh khăn gói quả mướp về quê lập nghiệp. Năm 2017, anh cải tạo 3 ha diện tích đất đồi kém hiệu quả chuyển sang trồng cây chuối tây, nhưng sau 1 năm, khi cây chuối được thu thì đầu ra lại không ổn định, cộng thêm thổ nhưỡng không hợp nên chất lượng quả không đẹp, thương lái ép giá cộng dồn trừ chi phí không được bao nhiêu.
Tháng 10-2018, anh Tọa lại tiếp tục hành trình khởi nghiệp với những cây dược liệu sa nhân, thảo quả… nhưng cũng không thành công do quãng đường di chuyển từ xã Đà Vị đến cửa khẩu các tỉnh Lào Cai, Hà Giang rất xa, chi phí lớn nên hiệu quả không cao. Phải đến tháng 2-2019, trong một lần đi ăn cưới một người họ hàng ở Vị Xuyên, Hà Giang, anh Tọa phát hiện nơi đây có giống tre rừng (tre Chinh), trồng để lấy lá hiện được thu mua rất mạnh, cũng nhiều người thoát nghèo nhờ giống tre này. Như người bị lạc tìm thấy đường ra, anh ở lại 2 ngày với bà con, cùng đi hái tre, tham quan các mô hình trồng rồi về nghiên cứu, mày mò để áp dụng tại mảnh đất quê hương.
Sau nhiều lần thất bại, anh cũng tạo được thói quen cẩn thận nghiên cứu thổ nhưỡng và cây giống. Anh hiểu, cây tre Chinh là cây bản địa nếu trồng bằng bầu sẽ khó sống. Do vậy nếu áp dụng vào địa phương sẽ thất bại, trong một lần được xem kỹ thuật trồng tre Bát Độ lấy lá, lấy măng và có thể trồng bằng bầu giâm với tỷ lệ sống đạt trên 95% hiệu quả kinh tế tương tự cây tre Chinh. Hướng mới đã mở ra, 4 anh em ruột trong nhà anh Tọa cùng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang số tiền 140 triệu đồng đầu tư trồng tre Bát Độ. Tuy nhiên, không phải “cứ làm là sẽ thành công”, sau 1 năm trồng thử nghiệm, toàn bộ 8 ha tre Bát độ của gia đình anh bị chết do cây giống không đảm bảo chất lượng. Anh bùi ngùi kể, có những lúc mình đã khóc, khóc vì thất bại nhiều quá, nhưng nghĩ đến cái đói, cái nghèo đeo bám khiến anh quyết tâm đứng lên. Sự quyết tâm đã thôi thúc anh đi xuống thủ đô Hà Nội tìm nơi chuyên về cây giống để tìm hướng thoát nghèo.
Tháng 6 năm đó, anh đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Châu Quỳ - TP Hà Nội) tìm mua giống cây tre Bát độ về trồng, sau khi được cung cấp giống cây chuẩn, nhận được giống tốt, anh về phát triển ngay toàn bộ diện tích 12 ha khắp các triền đồi của thôn Nà Pin. Sau gần 1 năm cây tre đã cho thu những lứa lá đầu tiên. Tuy nhiên câu chuyện không dừng lại ở việc hái lá mang đi bán. Anh nhớ lại, có những hôm thời tiết mùa hè nóng gần 40 độ C, lá tre sau khi được gói ghém gọn ghẽ vào bao tải chở xuống cho thương lái, mở ra bị chín tái do sức nóng của nhiệt độ, có những chuyến anh mua của bà con giá 10.000 đồng/kg và bán bị lỗ vài ba nghìn là chuyện thường, dần dần “có khó ló cái khôn” anh cho nhân dân hái lá tre lúc buổi chiều và tập kết lúc mặt trời lặn, cứ thế cây tre Bát độ lấy lá bắt đầu có chỗ đứng ở Nà Pin từ đó.
Mơ ước đưa bản Mông thoát nghèo
Hiện nay, lá Tre Bát độ rất được thị trường Đài Loan ưa chuộng trong công nghiệp sản xuất bánh kẹo. Những chiếc lá tre được làm sạch hoàn toàn bằng biện pháp tự nhiên, không hóa chất sẽ được xuất khẩu sang Đài Loan để làm vật liệu gói bánh, gói thực phẩm... và được người dân nước này rất yêu thích do hương vị thơm và để được lâu. Thấy được thị trường tiềm năng, anh Tọa học cách chăm sóc cây, truyền thụ những kiến thức thu nạp được trong quá trình đi tham quan các mô hình trồng tre ở một số địa phương và đã áp dụng thành công trên diện tích của gia đình.
Anh Giàng A Tọa (bên phải) hướng dẫn người Mông ở Nà Pin, Đà Vị (Na Hang) trồng tre Bát độ.
Hiện nay, anh được tín nhiệm bầu làm Giám đốc Hợp tác xã Toàn Tuyến tại xã Đà Vị. Anh dí dỏm kể, Toàn tức là toàn hộ nghèo, Tuyến tức là cùng chung chiến tuyến… Anh Tọa đứng ra thu mua lá tre cho nhân dân với mức giá 10.000 đồng/kg, để tiết kiệm chi phí, anh tự vay vốn mua ô tô, tự học lái xe chở lá tre xuống địa bàn xã Thái Sơn (Hàm Yên) bán cho thương lái mang về Việt Trì (Phú Thọ). Ngày nào 9 giờ tối anh cũng xuất phát và về nhà lúc 3 giờ sáng, công việc tuy vất vả nhưng tiết kiệm được chi phí phát sinh và hơn nữa giá thu mua cho bà con sẽ được cao hơn.
Thấy anh làm được, từ 12 ha trồng tre Bát độ của gia đình anh Tọa, toàn thôn Nà Pin hiện có 40 hộ trồng tre với diện tích 45 ha. Có những hộ dân đã dần thoát nghèo từ cây tre, gia đình anh Thào A Vừ là một điển hình. Là hộ nghèo nhất của thôn Nà Pin, gia đình 7 miệng ăn cũng xoay sở đủ cách nhưng vẫn nghèo, tháng 8 năm 2020, sau khi được anh Tọa vận động, anh Vừ quyết định phá bỏ 3 ha đất đồi kém hiệu quả trồng cây dược liệu sang trồng cây tre Bát độ, giống do anh Tọa cung cấp. Sau 1 năm, đến nay gia đình đã thu lãi được hơn 30 triệu đồng ở những lứa lá đầu tiên. Anh phấn khởi cho biết, bản thân anh không nghĩ cây tre lấy lá lại có thu nhập cao như vậy, công chăm sóc không nhiều, nhưng đầu ra ổn định nên gia đình cũng muốn gắn bó với cây tre lâu dài và đang muốn dự định mở rộng thêm diện tích. Dự định hết năm nay, nếu kinh tế ổn anh sẽ làm đơn xin thoát nghèo với chính quyền xã.
Việc trồng tre Bát độ đã được mở rộng ra nhiều thôn ở xã Đà Vị, toàn xã hiện có 80 ha đất đồi kém hiệu quả được chuyển sang trồng tre và từng bước đã cho bà con thu nhập khá. Ông Hứa Văn Quý, thôn Nà Pục chia sẻ, gia đình ông cũng là hộ dân được anh Tọa trực tiếp đến đặt vấn đề trồng tre Bát độ lấy lá, lúc đầu bản thân ông cũng không tin và thấy mơ hồ. Nhưng sau khi thấy anh Tọa và nhiều hộ dân ở trong xã làm có hiệu quả, ông đã vay vốn cải tạo 2 ha diện tích đất đồi núi thấp sang trồng tre. Đầu tháng 9 năm nay, ông Quý bán lứa lá đầu tiên thu được gần 3 triệu đồng, ông dự định đến hết năm sẽ hái thêm được 10 lượt hái nữa, thu nhập được trên 20 triệu đồng.
Hiện nay, ông chủ HTX Toàn Tuyến đang mở rộng liên kết với nhiều HTX Nông lâm sản ở Bắc Kạn, Cao Bằng, Lào Cai để cùng nhau tiêu thụ sản phẩm được lâu dài. Mới đây, anh Tọa đã phát triển được diện tích tre lên 108 ha ở một số xã khu C của huyện Na Hang như Yên Hoa, Thượng Nông, Thượng Giáp… Đồng chí Hà Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Đà Vị cho biết, nói về tiềm năng trồng tre Bát độ của xã thì vô cùng lớn, diện tích đất đồi kém hiệu quả để hoang hóa của xã rất lớn với trên 200 ha, phát triển cây tre những năm đầu tiên cho thu nhập từ hái lá bán xuất khẩu, làm măng khô và qua từ năm thứ 6 trở đi sẽ khai thác lấy gỗ để làm giấy. Do vậy, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của xã, cây tre đang được coi là cây có thế mạnh. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh lương thực, xã đang khuyến khích nhân dân trồng xen canh ngô, khoai, sắn vào vùng trồng tre, phương châm lấy ngắn nuôi dài.
Không bằng lòng với những gì hiện có, trước khi chia tay, anh Tọa tâm sự, dự định tháng 11 năm nay, anh sẽ bán 2 ô đất của gia đình để đầu tư mua 1 chiếc máy trị giá 600 triệu đồng, công suất 5 tấn/ngày để trực tiếp sấy lá tre cho nhân dân. Anh hồ hởi bảo, nếu thành công thì giá thu mua sẽ lên 12.000 đến 13.000 đồng và sẽ tạo việc làm cho 40 lao động thường xuyên. Người Mông Nà Pin đều là hộ nghèo, nếu việc đưa cây tre giúp đồng bào thoát nghèo thì anh sẽ luôn là người đi đầu, mở lối dù khó khăn đến đâu anh cũng sẽ nỗ lực vượt qua.
Gửi phản hồi
In bài viết