Con đường có một không hai
Từ trung tâm xã Xuân Lập vào đến điểm trường Khuổi Củng phải vượt qua 3 con suối, 3 đoạn dốc quanh co, khúc khuỷu, càng khó hơn nữa là những con đường đó đều là những đoạn đường đá gồ ghề. Đoạn đường từ xã đến thôn 16 km, mà chúng tôi phải đi mất hơn 1 giờ đồng hồ mới đến được nơi.
Đi rồi mới thấy, hành trình đưa cái chữ về bản của các thầy cô vất vả như thế nào. Nhiều đoạn đường khó, dốc ngược, xe về số 1 rồ ga xả khói khét lẹt, trầy trật “bò” lên dốc. Sau những trận mưa, mặt đường bị nước cuốn trôi hết đá, hai bên là rãnh sâu hoắm, ở giữa trồi lên như sống trâu khiến xe vượt dốc càng khó khăn. Cứ một lúc, tôi lại phải dừng để nghỉ vì mỏi tay sau những lần “gồng” lên để giữ tay lái.
Cô giáo Đặng Thị Hồng Hà về điểm trường Khuổi Củng từ năm 2011. Khuổi Củng là thôn xa nhất của xã, học sinh 100% là dân tộc thiểu số, lớp học bằng tre nứa, bàn ghế gỗ và chưa có điện thắp sáng. Sau nhiều năm luân chuyển, từ điểm trường chính đến Nà Lòa, Khuổi Trang, năm học này, cô Hà lại được phân công về đây.
Cô giáo Đặng Thị Hồng Hà hàng ngày phải đi qua nhiều con suối đến trường dạy học.
Cô Hà bảo, mình không nhớ đã bao lần vừa đi vừa ngã trên những con đường đến điểm trường. Có những hôm đi 1 mình trời còn nhá nhem, vì đường trơn trượt do trời mưa nên cứ đi 1 đoạn cô lại ngã, đến trường thì cả xe và người đã nhuộm bùn khi ấy đường còn khó hơn bây giờ nhiều.
Dừng xe tại đỉnh dốc nơi bắt đầu vào địa phận thôn Khuổi Củng, cô Hà chỉ cho tôi đoạn đường ngoằn ngoèo xuyên qua vách núi, rừng vầu phía trước. Cách đây 8 năm cô đã từng đi bộ 5 cây số để đến đó để vận động học sinh đi học, đi bộ nhưng do đường trơn trượt lại dốc, do không quen đường nên cô đã bị ngã lăn mấy vòng, bên dưới là vực nhưng may có bụi cây ngăn cô lại nên cô chỉ bị thương nhẹ.
Cô Hà cười, chia sẻ, mình cũng như nhiều giáo viên ở đây không chỉ phải vượt đường cua dốc, bùn lầy đến trường, mà còn phải vượt rừng để vận động người dân cho con đi học. Những giáo viên ở đây, nếu không có lòng yêu thương học trò, sự tận tâm với nghề, thì có lẽ chẳng ai đủ nhiệt thành để bám trụ chốn thâm sơn cùng cốc này.
Không muốn trò mù chữ…
Bắt đầu vào nghề năm 2011, nơi giảng dạy đầu tiên của cô Hà là điểm trường Khuổi Củng, thời điểm đó thôn vẫn chưa có điện, dân trí thấp, việc huy động học sinh ra lớp rất vất vả. Cô giáo trẻ thường xuyên phải đi bộ đến từng nhà vận động các em đi học từ sáng sớm. “Có những hôm đi bộ chùn cả chân, mình ngồi khóc một mình vì vừa mệt, vừa buồn, vừa nản chí. Nhưng rồi hình ảnh các em thiếu thốn lại khiến cô có thêm quyết tâm, nghị lực để tiếp tục công việc”, cô Hà chia sẻ.
Một giờ dạy học của cô Đặng Thị Hồng Hà tại điểm trường Khuổi Củng, xã Xuân Lập.
Nhận xét về cô Hà, cô Nông Thị Thơm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Lập cho biết: “Tuy là giáo viên trẻ nhưng cô Hà luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong công việc luôn thể hiện tình yêu nghề, mến trẻ, có chuyên môn vững vàng, sáng tạo, nhiệt tình, luôn ôn hòa với đồng nghiệp, được phụ huynh, giáo viên và các em nhỏ yêu quý”.
Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng của bản thân, nhiều năm liền cô Hà được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; được tặng Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong năm học 2016 - 2017 và năm 2017 cô vinh dự là 1 trong 2 giáo viên tiêu biểu của tỉnh dự Lễ tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu do Bộ Giáo dục tổ chức.
10 năm trong nghề, cô giáo Đặng Thị Hồng Hà luôn tâm niệm lời dạy của Bác: “Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”. Những lúc khó khăn, lời dạy ấy giúp cô giáo trẻ người Dao thêm động lực với mong muốn được góp sức nhỏ bé của mình vào việc trồng những “cây non” trên vùng cao này, để chính những em nhỏ dân tộc thiểu số nơi đây có được thêm những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Gửi phản hồi
In bài viết