Sợ... cũng không rời chốt
Vừa bê bát cơm thì lại phải dừng để hỗ trợ, hướng dẫn người đi đường đến làm các thủ tục qua lại, nữ cán bộ y tế thôn Khuôn Luông Hoàng Thị Lập không vì thế mà khó chịu. 6 - 7 lần đứng lên ngồi xuống, cuối cùng, anh chị em trong chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 ở Nhân Mục cũng được ăn bữa cơm trưa khi đồng hồ đã chỉ sang 13 giờ.
Nhân Mục nằm giáp với xã Ngòi Sửu, huyện Yên Bình (Yên Bái). Dịch bùng phát, chốt được lập ra từ hơn một năm trước và hoạt động trở lại vài tháng gần đây. Không nhiều người qua lại, mỗi ngày cao điểm cũng chỉ khoảng 40 - 50 lượt người, nhưng do đặc thù của những xã miền núi, giờ giấc đi lại chỉ tập trung vào những khung giờ nhất định như sáng sớm, trưa và chập tối, nên việc tập trung làm việc vào khung giờ này vất vả hơn.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Mạc Đức Trình bảo, người qua lại chốt chủ yếu là lao động đi làm ăn. Người hiểu biết giải thích một lần là hiểu, nhưng người chưa hiểu biết thì càng giải thích càng khó tiếp thu. Không ít lần, anh em trong chốt phải nghe những lời trách mắng nặng nề, cả những hành động vượt tầm kiểm soát của những người dân chưa hiểu quy định. Hầu hết người qua lại đều là người trong thôn trong xã, biết nhau cả. Thành ra việc giải thích cũng vừa phải thấu lý, vừa phải đạt tình.
Ngoài việc giữ quy định, thì các thành viên trong tổ trực phải thuần thục cả cách lên mạng, đăng ký khai báo y tế cho người dân. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Mạc Văn Chiến từ một người “mù tịt” về công nghệ thông tin, sau những ngày ra chốt làm việc, giờ cũng nhoay nhoáy các thao tác. Ông Chiến cười, nhiều người dân dùng điện thoại thông minh, nhưng chủ yếu để nghe và gọi thôi, chưa tiếp cận được với các bước khai báo y tế điện tử hay quét mã QR đâu. Mình học được rồi thì mình làm luôn giúp họ cho nhanh.
Người dân thôn Nà Luông, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) góp sức, góp của dựng lại lán làm việc cho chốt kiểm dịch.
Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Mạc Văn Chiến bảo, chốt xã, nhưng người đi đường cũng có nhiều cách để “thông” chốt lắm. Ông Chiến kể, cuối tháng 8, đúng ca trực của ông thì có xe ô tô tải dừng để kiểm tra. Lái xe có đầy đủ giấy tờ, giấy xét nghiệm PCR, nhưng bằng linh cảm của một người lính, ông Chiến hơi nghi ngờ khi thấy chiếc xe tải dừng kiểm tra cách chốt một quãng khá xa. Ông cùng anh em lại gần, vừa mở cửa cabin thì một bóng đen chùm chăn kín mít lao ra, chạy thẳng vào rừng.
Cán bộ các tổ chức chính trị, xã hội trong xã trực chốt chính, cán bộ thôn bản hỗ trợ. Lịch trực theo ca, mỗi người trực 12 tiếng một ngày, nên gần như cứ một ngày làm, một ngày nghỉ. Chốt là một căn lán nhỏ dựng từ lều bạt, 2 chiếc giường ngủ kê giữa chốt. Bếp nấu ăn kê cuối cùng. Khu vực rửa bát được lát bằng mấy tấm ván ngay bên cạnh... Thiếu thốn, vất vả cũng không bằng... nỗi sợ, khi chốt kiểm dịch phòng chống dịch Covid-19 nằm sát khu nghĩa địa của thôn Khuôn Luông. Nữ cán bộ y tế thôn Khuôn Luông Hoàng Thị Lập kể, có những ca trực đêm, 1 - 2 giờ sáng người dân đưa người vừa mất đi qua. Người sống thì làm các thủ tục để qua chốt, người đã khuất được đặt trong quan tài ngay sát bên. Những đêm phải ngủ lại chốt để trực, mình phải tự trấn an mình, rằng dịch giã mới sợ, vì nó cướp đi sinh mạng của chính người thân, đồng bào mình, còn những thứ khác hoàn toàn không đáng sợ vì nó không có thật! Mãi rồi cũng quen.
Không tất bật như các chốt kiểm dịch ở các tuyến quốc lộ, đường lớn, các chốt kiểm dịch chốt chặn giữa các địa bàn giáp ranh với tỉnh bạn lại có những khó khăn khác biệt hơn. Lều lán xa khu dân cư, bám lấy rừng, điện nước sinh hoạt đều phải nhờ nhà dân, nhưng vượt lên trên tất cả, đội ngũ cán bộ ở các điểm chốt chặn vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 thôn Bản Vịt, xã Thượng Giáp (Na Hang) được khôi phục để kiểm soát chặt chẽ những người di chuyển từ tuyến đường nối đến huyện Bắc Mê (Hà Giang) vào địa bàn huyện. Anh Hoàng Văn Phóng, cán bộ Trạm y tế xã Thượng Giáp chia sẻ, những ngày thời tiết thuận lợi, anh em làm việc tại lán được xã dựng tạm ngay ven đường. Đợt này dồn các điểm trường lớp học, những ngày mưa to gió lốc, chốt di chuyển vào làm việc tại điểm trường mầm non thôn Bản Vịt. Hỏi về khó khăn, anh Phóng cười, so với nhiều chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 khác trên địa bàn, thì điểm làm việc của anh em thôn Bản Vịt vẫn sung sướng, thuận lợi hơn nhiều.
Anh em không so đo gì, chỉ biết động viên nhau cố gắng hết sức hoàn thành nhiệm vụ, vì sự an toàn của cộng đồng.
Kiểm soát người qua lại tại chốt kiểm dịch xã Nhân Mục (Hàm Yên).
Thương nhau như mớ rau, quả trám
Chốt kiểm dịch thôn Nà Luông, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) nằm giữa đèo Cao Bắc, nối với xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn). Những ngày đầu, chốt chỉ là chiếc lều dựng lên từ những tấm bạt nhỏ. Nhưng trận mưa lớn hồi tháng 8 đã khiến căn lều bật tung, xới xáo như chưa từng tồn tại.
Nhìn cán bộ chiến sỹ, y bác sỹ tham gia phòng chống dịch dầm mưa dãi nắng suốt 24 giờ trong ngày, lại chịu cảnh thiếu thốn vất vả, người dân thôn Nà Luông bảo nhau góp công góp sức, dựng lên căn lán từ gỗ xoan, cây keo, lá cọ để anh chị em tránh trú, sinh hoạt hàng ngày.
Trưởng thôn Nà Luông Đinh Văn Thịnh bảo, bà con trong thôn không ai bảo ai, nhà nào có gì cũng đều sẻ bớt một phần, đem tặng cán bộ chiến sĩ làm việc tại chốt kiểm dịch. Người mớ rau xanh, túi trám; người con cá nặng vừa đánh từ ao lên; nhà nào khá hơn thì đem đến chốt cả con gà, con vịt... Bà Nguyễn Thị Dương, Nguyễn Thị Cứa vừa nhặt được ít trám rừng, đem san sẻ để anh em trong chốt kho nồi cá, nồi thịt đổi bữa. Các bà bảo, mình ở nhà yên ấm thấy thương người đang ngày đêm canh giữ bình yên cho thôn, cho xã lắm. Anh em bình an thì bà con mới yên tâm được.
Chốt kiểm dịch ở Nhân Mục cũng thường xuyên nhận được đồ “tiếp tế” của bà con các thôn trong xã. Trưởng ban công tác mặt trận thôn Pù Bó Hoàng Mai Luân vừa gom lên chốt ít rau xanh, cá, trứng và cả tiền mặt bà con trong thôn tự nguyện đóng góp hỗ trợ chốt hoạt động. Ông Luân cười, anh em cứ việc trực chốt cho tốt, giữ cho dịch bệnh không xâm nhập vào địa bàn, còn lại cứ để dân cùng lo. Mình đều là đồng bào dân tộc, thương nhau như mớ rau, quả trám thôi...
Những chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đa phần đều gặp những khó khăn như thế. Nhưng nghĩa tình của đồng bào, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ tham gia trực chốt đã góp phần tạo ra những vành đai an toàn, bảo vệ tỉnh giữ vững lợi thế vùng xanh.
Gửi phản hồi
In bài viết