Khe Lau ngày mới

- Khe Lau là đoạn gần giao nhau giữa sông Lô và sông Gâm thuộc địa phận xã Thắng Quân, nay sáp nhập đổi tên thành thị trấn Yên Sơn. Nơi đây còn có nhiều tên gọi khác là ngã ba Luồng, Cửa Sông, Hòn Lau. Địa phận hiểm trở vực xoáy, cả hai bờ sông là những đám lau lách rậm rạp chạy dài đến chân núi Bắng. Chính vị trí này đã tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta bắn chìm hai tàu chiến và một ca nô của quân Pháp trong Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947.

Từ thôn lên phố


Bia di tích Chiến thắng Khe Lau trên sườn núi Bắng,
nhìn ra sông Lô.

Địa danh Khe Lau nổi tiếng ngày ấy bây giờ thuộc tổ dân phố Hồng Thái, thị trấn Yên Sơn. Thực hiện Nghị quyết số 1262/NQ-UBTVQH14, ngày 27-4-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính các xã Thắng Quân, Tứ Quận, Lang Quán và thành lập thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn), thôn đã chính thức được đổi thành tổ dân phố. Mảnh đất soi bãi ven sông vốn đã trù phú, càng thêm động lực mới.

Ông Vũ Ngọc Lãm, một người cao tuổi trong tổ dân phố hồ hởi dẫn chúng tôi đến địa danh Khe Lau. Ông đeo kính lão rồi lần đọc những dòng chữ trên tấm bia di tích quốc gia khẳng định “chính địa điểm này ngày 10 tháng 11 năm 1947, tại Khe Lau đã diễn một trận đánh ác liệt của bộ đội chủ lực ta bắn cháy 2 tàu chiến và 1 ca nô, tiêu diệt trên 200 tên giặc Pháp xuôi từ Chiêm Hóa về. Trận Khe Lau sau được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là 1 trong 10 trận thắng lớn của quân và dân ta trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947, góp phần phá tan âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, bảo vệ tuyệt đối an toàn khu”.

Ông Lãm bảo, nghe các cụ kể lại, trận địa pháo được ngụy trang kín đáo trên núi Bắng, đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ. Các cỡ súng của bộ công pháo kết hợp với nhau sẽ tạo thành một lưới lửa dày đặc, đan kín một quãng sông dài gần một km. Khi tàu địch đến, pháo ta bất ngờ nổ súng, bắn nhiều phát đạn. Quân địch chưa kịp giật mình thì trọng pháo đã bắn trúng chiếc tàu đi đầu, lửa bốc ngay lên cháy ngùn ngụt. Pháo ta nổ rồi, cả hai con tàu của địch biến thành hai bó đuốc khổng lồ. Súng bộ binh, bazôca của công binh ta hòa với tiếng gầm của những nhịp pháo bắn rất mãnh liệt, địch ở trên hai con tàu rú lên, chỉ có một số rất ít nhảy được xuống sông. Hai con tàu chìm dần. Dầu loang khắp mặt sông, nước sông Lô nổi tiếng trong xanh vào mùa thu giờ nhuốm ánh lửa đỏ rực, cả một bể lửa cháy phần phật, khói bốc mù mịt, khét lẹt. Chiếc ca nô đi sau cùng lao vào giữa đám khói lửa chạy thục mạng. Nhưng cũng chẳng thoát, bị bắn trọng thương, ca nô dạt sang bên tả ngạn, nằm đổ nghiêng.

Đi theo bậc đá, tôi leo lên sườn núi Bắng, ngước lên nhìn cột di tích Chiến thắng Khe Lau cao hơn 10 m nằm sừng sững trên trận địa sơn pháo xưa. Từ đây phóng tầm mắt ra đoạn sông Lô uốn lượn chảy qua tổ dân phố Hồng Thái thật đẹp. Bên kia sông là vùng soi bãi trồng ngô, bưởi của thôn Quang Thắng, xã Phúc Ninh (Yên Sơn), bên dưới một chút là ngã 3 nơi hai con sông Lô và sông Gâm gặp nhau chạy về thành phố Tuyên Quang và vùng hạ du. Từ địa danh Khe Lau nhìn lên phía thượng nguồn sông Lô tầm 1.000 m vẫn thuộc tổ dân phố Hồng Thái, xa xa Thủy điện Sông Lô 8B với 3 tổ máy, công suất 27 MW đang hoạt động. Quả thật, khúc cua Khe Lau qua bao nhiêu năm bồi đắp, phần đất soi bãi bên tổ dân phố Hồng Thái rất màu mỡ. Những rừng lau sậy bên bờ sông trước kia, giờ được người dân thay bằng những vạt cỏ voi xanh rì. Nguồn thức ăn thô xanh quan trọng cho đàn gia súc đang phát triển nhanh chóng của thôn. Diện tích cây ngô soi bãi ở đây cũng đang dần bị thu hẹp nhường chỗ cho cây bưởi Soi Hà, Diễn, Da xanh được trồng theo vùng chuyên canh tập trung cho giá trị kinh tế cao.

Dấu ấn làng lập nghiệp

Vào những năm 1963, những chuyến xe ca ồ ạt chở những người dân dưới xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới ở Tuyên Quang. Một đoàn người quê Gia Viễn, Ninh Bình chọn tổ dân phố Hồng Thái làm nơi lập nghiệp. Ông Nguyễn Văn Bằng nhớ lại: “Hồi đó tôi 10 tuổi theo bố mẹ lên Tuyên Quang. Lúc đó thôn Hồng Thái thuộc xã Thắng Quân có hơn chục nóc nhà của đồng bào Tày, Dao, Cao Lan, Nùng ở xen kẽ. Gia đình tôi cùng các hộ khác tích cực phát đồi, khai khẩn đất thung lũng, soi bãi trồng lúa, ngô, sắn. Sau này có thời thôn trồng toàn mía. Nói chung đất ở đây rộng, màu mỡ nên ít hộ đói. Thế mà thấm thoát đã 58 năm sống trên quê mới, tôi thấy công cuộc xây dựng nông thôn mới ở đây đổi thay thần kỳ”.

Cây bưởi Soi Hà rất hợp vùng soi bãi Khe Lau.

Theo Tổ trưởng tổ dân phố Hồng Thái Nguyễn Trọng Tiến, tổ dân phố hiện nay có 100 hộ với 376 nhân khẩu, trong đó 80% là người gốc Gia Viễn, Ninh Bình, còn 20% là đồng bào dân tộc thiểu số người địa phương. Thu nhập bình quân năm 2020 đạt 37 triệu đồng/người/năm. Tổ dân phố chỉ còn 1 hộ nghèo. Vừa qua địa phương về đích nông thôn mới nên nhiều hạ tầng của tổ dân phố được xây dựng khang trang, chỉ duy nhất tuyến đường liên tổ dân phố 4,3 km dẫn ra Quốc lộ 2C vẫn là đường đất. Huyện đã có chủ trương cho khảo sát, đo đạc sớm tìm nguồn vốn đầu tư. Qua họp tổ dân phố, 100% người dân hai ven đường tự nguyện hiến đất nếu con đường được thi công. Ngoài tạo thuận lợi cho người dân đi lại, thì đường vào di tích cấp quốc gia cũng phong quang, sạch sẽ.

Mới đây 8 đồng chí trong Chi bộ tổ dân phố Hồng Thái họp xác định, phát triển kinh tế chủ lực theo ba hướng. Đồng chí Nguyễn Văn Miến, Bí thư Chi bộ tổ tân phố Hồng Thái cho biết, do giáp bờ sông Lô hơn 1 km, vùng soi bãi rộng lớn tổ dân phố Hồng Thái thích hợp mở rộng diện tích cây bưởi theo hướng vùng chuyên canh lớn, sản xuất hàng hóa. Hiện nay toàn tổ dân phố có 54 ha trồng bưởi Soi Hà, Diễn, Da xanh, trong 100 hộ thì có đến 60 hộ trồng bưởi. Cùng với đồng chí Bí thư chi bộ xuống nhà ông Đỗ Văn Thân tham quan khu vườn soi bãi trồng 300 gốc bưởi Soi Hà sai trĩu quả. Ông Thân cho biết: “Hơn chục năm trước chúng tôi qua ngã ba sông sang bên kia thôn Soi Hà, xã Xuân Yên (Yên Sơn) tìm mua giống bưởi quý. Với đồng đất như Soi Hà, cây bưởi về đây phát triển tốt, cây khỏe, quả to, ăn ngon. Như nhà tôi năm 2020 thu hơn 300 triệu tiền bán bưởi. Nói chung việc thu một vài trăm triệu từ tiền bán bưởi thì ở tổ dân phố Hồng Thái rất phổ biến”.

Ở tổ dân phố Hồng Thái đồi núi như bát úp trập trùng ôm lấy vùng soi bãi sông Lô nên hướng đi thứ hai là phát triển kinh tế rừng. Tính trung mỗi hộ dân ở đây có 1 ha rừng sản xuất, đa phần trồng cây keo lấy gỗ. Ông Đinh Công Nhượng đang cho thợ khai thác 3 ha keo, trong tổng số 10 ha của gia đình chia sẻ: “Nhờ bán mấy lứa keo mà gia đình tôi mới xây được nhà, nuôi các cháu ăn học, sắm tiện nghi cho gia đình. 10 ha keo của tôi bán rẻ cũng có trên 600 triệu đồng. Anh bảo nhiều nghề nằm mơ cũng không có”. Tận dụng vùng đồi rộng lớn, vùng bờ sông trồng cỏ voi tốt, người dân tổ dân phố Hồng Thái nuôi cả thảy 50 con trâu, 120 con bò. Nhiều hộ nuôi từ 5 - 10 con theo hình thức nhốt, bán chăn thả. Qua buổi họp, các hộ trong tổ dân phố đang có hướng liên kết thành lập HTX chăn nuôi để chia sẻ về kinh nghiệm, nguồn giống, thị trường tiêu thụ, đặc biệt là nâng được quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung.

Người dân Tuyên Quang nói riêng và nhân dân cả nước nói chung rất tự hào về chiến thắng Khe Lau. Mảnh đất anh hùng xưa, nay đang thay da đổi thịt từng ngày. Các hộ dân vẫn đang hăng say thi đua sản xuất, quyết tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao trên quê hương cách mạng.

Phóng sự: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục