Là vùng trồng hoa đồng tiền lớn của thành phố Hà Nội, xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) có tiềm năng khai thác phát triển du lịch. Tuy nhiên, để những tiềm năng trở thành hiện thực đối với các hộ dân nơi đây, còn rất nhiều khó khăn. Theo Giám đốc Hợp tác xã hoa Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) Bùi Văn Khá, xã có gần 30ha chuyên canh hoa đồng tiền. Trong đó có 8 hộ tham gia vào hợp tác xã. Trên thực tế, đã có nhiều đoàn khách liên hệ với hợp tác xã mong muốn tới trải nghiệm nghề trồng hoa, tham quan, học tập mô hình. Tuy nhiên, do trồng hoa trên đất nông nghiệp, nên hợp tác xã không được phép xây dựng các công trình trên đồng ruộng. Chính vì vậy, khi các đoàn đến thăm, hợp tác xã chưa bố trí được nơi đón tiếp; chưa có điểm nghỉ chân, tránh trú khi thời tiết mưa, nắng; chưa có công trình vệ sinh... Các nhà màng cũng được dựng đơn giản bằng cọc tre, khá thấp, chưa tạo cảnh quan đẹp để khách tham quan check-in, chụp ảnh.
Hiện nhiều mô hình phát triển nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô cũng chung cảnh như Hợp tác xã Hoa Đồng Tháp. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Vạn An (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì) Nguyễn Thị Thanh Hằng cho biết, để có vùng sản xuất nông nghiệp đủ rộng, hợp tác xã phải thuê quỹ đất công của xã Yên Mỹ. Tuy nhiên, thời gian hợp đồng thuê đất chỉ 5 năm nên hợp tác xã rất khó để đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới, nhà sơ chế, nhà bảo quản hiện đại phục vụ sản xuất. “Tôi mong muốn Nhà nước cho kéo dài thời hạn hợp đồng cho thuê đất lên 10 năm, 20 năm để người dân yên tâm đầu tư”, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng nói.
Mặt khác, việc đầu tư cho nông nghiệp sinh thái kết hợp trải nghiệm, đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, song vì cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cho loại hình này còn hạn chế (chủ yếu mới là hỗ trợ về tư vấn thiết kế, tập huấn, tuyên truyền) nên chưa thu hút được nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn... Bên cạnh đó cũng chưa có tiêu chuẩn, tiêu chí cũng như khái niệm cụ thể về mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm, dẫn tới việc triển khai đầu tư, xây dựng nhiều nơi còn lúng túng.
Hà Nội có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch nông nghiệp và trên thực tế mô hình đã khẳng định “hiệu quả kép” so với chỉ làm nông nghiệp thuần túy. Dù vậy, những khó khăn về cơ chế, chính sách cũng đang phần nào hạn chế việc phát huy hết tiềm năng của lĩnh vực du lịch nông nghiệp.
Người dân mong muốn cơ quan chức năng của thành phố sớm xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp giáo dục trải nghiệm; đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch, trải nghiệm… Đồng thời, có cơ chế, chính sách cụ thể trong tháo gỡ khó khăn cho các mô hình du lịch nông nghiệp.
Gửi phản hồi
In bài viết