UBND tỉnh đã phê duyệt bổ sung 2 cụm công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế và cụm công nghiệp Tam Đa vào quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 tại Quyết định số 437/QĐ-UBND, ngày 4-11-2020 với diện tích quy hoạch mỗi khu công nghiệp 75 ha.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH MTV Giày da Phúc Sinh, Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương).
Khu công nghiệp Sơn Nam được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tại Quyết định số 230/QĐ-UBND, ngày 15-7-2016 với 6 dự án, tổng số vốn đầu tư 150 tỷ đồng. Khu công nghiệp có 2 dự án đang hoạt động sản xuất, 1 dự án đang san lấp mặt bằng, 2 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư và 1 dự án đang tạm dừng. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đạt 25%, do trong phạm vi quy hoạch lấy vào đất ở của nhiều hộ dân nên khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Mặt khác, đây là khu vực có nhiều khoáng chất công nghiệp dẫn đến công tác lập hồ sơ và thực hiện các thủ tục xin cấp phép khai thác tận thu mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ thực hiện dự án của nhà đầu tư.
Thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Sơn Dương trong những năm qua còn gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Sản lượng và giá trị sản phẩm của các cơ sở sản xuất còn thấp chưa tạo động lực cho công nghiệp phát triển. Đồng chí Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho rằng, nguyên nhân khiến khu, cụm công nghiệp khó thu hút đầu tư là do một số tuyến đường đã xuống cấp; việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho khu, cụm công nghiệp, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ do nguồn vốn còn hạn hẹp. Thủ tục hành chính liên quan đến đất đai xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng còn phức tạp, mất nhiều thời gian giải quyết.
Thời gian qua, UBND huyện Sơn Dương đã chỉ đạo tập trung nguồn lực thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng và cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp gắn với quy hoạch các khu dân cư, thương mại, dịch vụ. Với mục tiêu đặt ra quy hoạch khu, cụm công nghiệp phải có tính liên kết vùng,hệ thống giao thông thuận tiện để kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tạo động lực phát triển công nghiệp.
Giai đoạn 2021 - 2030, huyện Sơn Dương phối hợp với ngành Công thương tỉnh và các cơ quan chức năng tiến hành quy hoạch thành lập mới khu công nghiệp Nam Sơn Dương, diện tích 300 ha; khu công nghiệp Tam Đa, diện tích 150 ha; cụm công nghiệp Phúc Ứng 2, diện tích 75 ha và điều chỉnh khu công nghiệp Sơn Nam diện tích 150 ha thành cụm công nghiệp Sơn Nam với diện tích 50 ha. Có thể thấy sự dịch chuyển trong quy hoạch khu, cụm công nghiệp từ vùng khó khăn đến các địa phương có điều kiện hạ tầng sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư tốt hơn.
Đồng chí Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện cho biết, để việc xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp được thuận lợi và phù hợp với thực tiễn, huyện đã tích cực phối hợp với các ngành hỗ trợ đơn vị đầu tư hạ tầng giao thông thuận tiện, mở rộng kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc; tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; việc quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phải gắn với công tác bảo vệ môi trường.
Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh quảng bá, thu hút các nhà đầu tư vào thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, tạo đà cho các ngành kinh tế khác phát triển, từ đó góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới của các địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết