Cảnh trong phim “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải, phim đạt doanh thu cao trong mùa phim hè 2024.
Làm thế nào để có tác phẩm điện ảnh đủ sức hút khán giả đang là câu hỏi khiến các đạo diễn, nhà sản xuất Việt Nam chật vật tìm lời giải.
Trong dịp hè này, nhiều bộ phim nước ngoài được trình chiếu tại Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Chỉ tính riêng tháng 5 đến đầu tháng 7/2024, hàng loạt phim hoạt hình nổi tiếng như: “Doraemon: Nobita và bản giao hưởng Địa Cầu”, “Garfield: Mèo béo siêu quậy”, “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ” hay “Kẻ trộm mặt trăng 4” đã gặt hái thành công tại thị trường Việt Nam với mức doanh thu rất lớn.
Tiếp đó, trong tháng 7, những bộ phim “bom tấn” nước ngoài khác như: “Tín hiệu từ vũ trụ”, “Thảm họa trên cầu”... cũng dần hé lộ sự đột phá.
Trái với nhịp độ sôi động này, phim điện ảnh trong nước lại khá im ắng. Nếu thống kê các dự án thành công về doanh thu, chỉ có thể gọi tên ê-kíp phim của Lý Hải, Trấn Thành. Theo giới phê bình điện ảnh, mùa phim hè 2024 của điện ảnh Việt Nam trở thành mùa “thấp điểm”.
Nhìn lại sáu tháng đầu năm, điện ảnh Việt Nam chứng kiến nhiều phim rơi vào tình trạng thua lỗ khi ra rạp.
Trong đó có thể kể đến phim “Trà” (đạo diễn Lê Hoàng) chỉ thu về hơn một tỷ đồng; “Sáng đèn” (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường) với 3,4 tỷ đồng doanh thu; “Cái giá của hạnh phúc” (đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm) với 26,3 tỷ đồng doanh thu…
Tính riêng nửa đầu năm 2024, có tới 7 trong 10 phim điện ảnh trong nước rơi vào tình trạng doanh thu thấp, lỗ nặng; chỉ có ba phim đạt doanh thu tốt, gồm: “Mai”, “Gặp lại chị bầu” và “Lật mặt 7: Một điều ước”.
Giới chuyên gia nhận định, nhiều năm qua, các ê-kíp phim trong nước vẫn chưa hết chật vật tìm lối đi. Trên thị trường phim điện ảnh Việt giờ đây gần như chỉ có một vài ê-kíp tạo được sức hút với khán giả, chinh phục được doanh thu “trăm tỷ”.
Sự phát triển chênh lệch này cho thấy thị trường đang tiềm ẩn quá nhiều rủi ro và làm phim vẫn đang là một “ván cược” lớn của các nhà đầu tư sản xuất.
Cuối năm nay sẽ có khoảng 10 dự án phim điện ảnh Việt Nam ra mắt với sự đa dạng về đề tài, thể loại. Tiêu biểu cho dòng phim tình cảm có thể kể đến “Ngày xưa có một chuyện tình” của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chuyển thể dựa trên tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (dự kiến ra mắt tháng 10/2024).
Đạo diễn Lý Minh Thắng sẽ cho ra mắt “Công tử Bạc Liêu” khai thác cuộc đời của vị công tử nổi danh giàu có, với thú vui xa hoa. Dòng phim kinh dị ghi nhận hàng loạt phim mang yếu tố dân gian, trong đó, tác phẩm “Nhà gia tiên” của đạo diễn Huỳnh Lập, “Linh miêu” của đạo diễn Lưu Thành Luân, “Ma Da” của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng.
Dù đã có những tín hiệu nỗ lực được dự đoán sẽ mang lại hứng thú để khán giả đến rạp, nhưng theo dự đoán của giới chuyên môn, để đạt cột mốc doanh thu “trăm tỷ” là điều rất khó khăn, nhiều khi là viển vông đối với những dự án phim không được đầu tư đồng bộ, chưa có chiều sâu và sức hút với khán giả.
Thực tế cho thấy, khán giả Việt Nam luôn sẵn sàng ủng hộ những tác phẩm đầu tư nghiêm túc chỉn chu, nội dung mới lạ. Điều quan trọng là giữa bối cảnh phát triển mạnh mẽ của phòng vé trong nước, ngoài nỗ lực tự thân, các nhà làm phim cần nắm bắt được xu hướng hợp tác để tìm ra hướng đi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm chinh phục người xem.
Thí dụ, trường hợp của Will Vũ, được biết đến là một nhà sản xuất phim trẻ tuổi, từng thành công với các dự án điện ảnh lớn, như: “Thưa mẹ con đi” (2019), loạt phim “Chị chị em em” và đoạt giải thưởng “Nhà sản xuất của năm” trong lễ trao giải Male Icon Awards 2023 đã quyết định hợp tác với đạo diễn Vũ Ngọc Đãng trong “Cô dâu hào môn”- một tác phẩm về đề tài gia đình hứa hẹn thu hút khán giả đến rạp.
Gửi phản hồi
In bài viết