Cảnh trong vở múa “Đối diện với vô cùng”.
Công diễn trong ba đêm 2, 3 và 4/8 tại rạp Hồng Hà (Hà Nội), vở múa cho thấy những bước đi sáng tạo cùng cách xử lý mới mẻ yếu tố vũ đạo và âm nhạc, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để khán giả dễ dàng tiếp cận hơn với nghệ thuật tuồng.
Múa và các động tác hình thể là hình thức nghệ thuật chính trong vở “Đối diện với vô cùng”, nhưng lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng. Ấn tượng để lại trên sân khấu vừa tôn vinh văn hóa dân tộc, vừa minh chứng cho sức mạnh biến đổi của vũ đạo tuồng truyền thống.
Điểm nhấn của vở diễn là sự kết hợp giữa vũ đạo tuồng, múa đương đại và dân gian trên nền âm nhạc truyền thống, âm nhạc đương đại thể nghiệm cùng sự hòa nhịp giữa chuyển động của nghệ sĩ gắn kết cùng các diễn viên tuồng.
Những yếu tố này tạo nên một sân khấu vừa hùng tráng, huyền bí, vừa tràn đầy năng lượng tâm linh. Trạng thái xuất thần của các nghệ sĩ cũng như các diễn viên tuồng khi hóa thân vào nhân vật mang tính trình diễn, đồng thời cũng là hành trình tìm kiếm thân phận con người và mối liên hệ tâm linh sâu sắc.
Các nhạc cụ truyền thống của nghệ thuật tuồng như kèn, trống, đàn, tiếng chuông... hòa quyện với chuyển động vũ đạo tạo nên giai điệu và âm hưởng truyền thống mới mẻ, giúp người xem được trải nghiệm và thưởng thức nghệ thuật tuồng trên sân khấu đương đại.
Vở “Đối diện với vô cùng” kể về hành trình của nhân vật chính - “cái tôi” đối diện với có và không, giữa ký ức và những gì chưa đến. “Cái tôi” gặp gỡ bốn vị thần phương Đông-Tây-Nam-Bắc để khám phá chính mình và cõi thiêng.
Mỗi phương hướng theo quan niệm của phương Đông là đại diện cho các trạng thái hân hoan, hạnh phúc, khổ đau, sự cô đơn, niềm tin và hy vọng vào tương lai. Các nhân vật đối diện với nhau và đối diện với bản thân trong mối tương quan với xã hội đương đại.
“Đối diện với vô cùng” là những cảm quan về thời kỳ đầu đổi mới gắn với phong trào chủ nghĩa vật chất và tính cá nhân được giải phóng, cùng một vấn đề mang tính xã hội được quan tâm, đó là sự cô đơn.
Lịch sử là sự đồng hành của những câu chuyện. Khi câu chuyện này được kể và xã hội chấp nhận thì những câu chuyện khác có nguy cơ rơi vào quên lãng, trong đó cái “vô cùng” đại diện nhiều khía cạnh của cuộc sống, những điều không thể đoán định hay biết trước sẽ diễn ra như thế nào.
“Vô cùng” có thể là quá khứ hoặc tương lai, những đại lượng không thể cụ thể và mang trong nó cả truyền thống, hiện tại. Cũng vì thế mà ở vở diễn này có thể mọi thứ đều trở nên vô cùng như vậy.
Vở múa cho thấy sự đầu tư nghệ thuật cùng tư duy sáng tạo trẻ trung, hiện đại, sự tham gia của người trẻ cùng các nghệ sĩ tuồng đã mang đến một góc nhìn mới cho nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Tuồng là loại hình đỉnh cao của sân khấu nghệ thuật dân tộc, mang tính hàn lâm, kết hợp dòng nhạc đại chúng của Việt Nam, trong khi nghệ thuật múa đương đại lại rất trừu tượng...
Chia sẻ về sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái cũ và mới, Giám đốc nghệ thuật Nguyễn Quốc Hoàng Anh cho biết: “Lên Ngàn lựa chọn hình thức sân khấu đương đại thể nghiệm, một chất liệu “đo ni đóng giày” cho quá trình thực hành nghệ thuật của nghệ sĩ. Khán giả sẽ thấy, xuyên suốt vở múa, các chất liệu cổ truyền đan xen yếu tố xã hội mang tính đại chúng.
Trên hành trình tìm kiếm sự giao thoa giữa chuyển động và âm thanh, sự chuyển hóa tâm linh, tinh thần của truyền thống và cốt cách của tuồng vẫn được giữ nguyên trong không gian trừu tượng.
Trên hành trình tìm kiếm sự giao thoa giữa chuyển động và âm thanh, sự chuyển hóa tâm linh, tinh thần của truyền thống và cốt cách của tuồng vẫn được giữ nguyên trong không gian trừu tượng. Việc đưa âm nhạc vào múa mang đến cảm giác vừa xa lạ, vừa thân quen, tạo nên sự tương phản về cảm xúc và sự hấp dẫn của nghệ thuật đương đại, đồng thời tạo không gian cho trí tưởng tượng của người xem để cảm nhận tác phẩm. Điều này khiến tác phẩm trở nên thú vị”.
Chia sẻ về vở múa do nhóm bạn trẻ thực hiện, nghệ sĩ Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam nhìn nhận: “Việt Nam có nhiều chất liệu nghệ thuật truyền thống hấp dẫn, độc đáo trong đó có nghệ thuật tuồng cổ. Tín hiệu đáng mừng khi tuồng được nhiều bạn trẻ quan tâm, hiểu biết và thẩm thấu”.
Ở “Đối diện với vô cùng”, các bạn trẻ đã nghiên cứu và tìm thấy chìa khóa của cái đẹp, cái hay, độc đáo của nghệ thuật tuồng để đưa vào múa đương đại.
Sự đột phá quyết liệt này giúp khán giả tiếp cận và cảm nhận được khái niệm múa đương đại Việt Nam rõ nét hơn. Có thể nói, qua thời gian, dù thăng trầm nhưng nghệ thuật truyền thống nói chung, bộ môn nghệ thuật tuồng nói riêng của cha ông vẫn được gìn giữ và phát triển.
Theo nghệ sĩ Phạm Ngọc Tuấn, bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng truyền thống của dân tộc là hai nhiệm vụ của Nhà hát Tuồng Việt Nam, trong đó, mục tiêu phát triển nghệ thuật tuồng thông qua dàn dựng các tác phẩm nghệ thuật về đề tài đương đại, hiện đại; về công cuộc đổi mới hoặc biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật được viết mới từ các câu chuyện lịch sử gần gũi với tuồng rất được chú trọng.
Với các vở tuồng cổ đề cập chuyện vua, chuyện nước, chuyện cung đình, các giá trị tuồng sẽ được bảo tồn nguyên trạng ở mức cao nhất. Còn các vở diễn được phát triển, viết mới, dàn dựng gần gũi đời thường, mang chất liệu của nghệ thuật tuồng sẽ được biểu diễn để phục vụ những khán giả chưa có nhiều hiểu biết về tuồng. Những vở diễn này giúp khán giả dễ dàng tiếp cận nét đẹp của nghệ thuật tuồng truyền thống.
“Đối diện với vô cùng” không đơn thuần là sự cách tân hay cải biên truyền thống. Đây là cách làm mới của các nghệ sĩ đương đại trong vai trò đồng sáng tạo dựa trên khuôn khổ của truyền thống.
Hướng tiếp cận này vừa lưu giữ, vừa tiếp biến và truyền đạt di sản phi vật thể ở một hình thức mới đồng thời mở đường cho một mô hình hoạt động nghệ thuật, biến các trích đoạn tuồng ngắn mang hơi thở đương đại hấp dẫn công chúng và du khách trở thành thương hiệu của ngành nghệ thuật biểu diễn, sản phẩm của du lịch, trở thành thế mạnh để phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết